Bộ Công Thương đã đề xuất phương án tăng giá điện là 18% so với giá điện bình quân năm 2010, tương đương là 1.271 đồng/kWh. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 3 phương án Bộ này đề xuất Chính phủ.
3 phương án trình Chính phủ
Có 3 phương án tăng giá điện đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, trong đó phương án 1 dựa trên EVN đề xuất có hiệu chỉnh với giá than tăng 10% so với giá than 2010, bù lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng chi phí phát điện giá cao của năm 2010.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN ở mức 6%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước các khâu truyền tải điện và phân phối điện giữ ở mức 8%...
Theo phương án này, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.360 đồng/kWh, tăng 26,3% so với giá bán điện bình quân thực hiện 2010 (1.076,64 đồng/kWh).
Ở phương án 2, giá điện được tính toán dựa trên giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá điện ở mức hợp lý. Giá than cho điện năm 2011 không tăng, lấy bằng giá than 2010; Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước các khâu phát điện, truyền tải, phân phối chỉ lấy ở mức tối thiểu là 1%; Không phân bổ khoản chi phí tăng thêm do phát điện giá cao của năm 2010 vào giá điện 2011…
Theo phương án này, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.271 đồng/kWh, tăng 18,03% so với giá bán điện bình quân thực hiện 2010; Thời điểm điều chỉnh giá điện từ 1/3/2011.
Phương án cuối cùng cũng là phương án đề xuất mức tăng cao nhất dựa trên việc tính đúng và đủ các chi phí theo giá thị trường. Ở phương án này, giá than được lấy bằng giá thị trường, tính bằng giá thành than năm 2009 tăng thêm 10%;
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước các khâu ở mức 8%. Phân bổ vào giá điện 2011 các khoản: 2.000 tỷ đồng chi phí phát điện giá cao của năm 2010, 257 tỷ đồng chi phí mua điện Cà Mau năm 2008 - 2009, 761 tỷ đồng chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của năm 2009…
Theo phương án này, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.403 đồng/kWh, tăng 30,3 % so với giá bán điện bình quân thực hiện 2010; Thời điểm điều chỉnh giá điện từ 1/3/2011.
Gánh nặng cho ngành sản xuất
Trong 3 phương án trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị chọn phương án có giá điện bình quân năm 2011 bằng 1.271 đồng/kWh, tỷ lệ tăng giá 18% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010. Thời gian bắt đầu thực hiện từ
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt phương án giá điện năm 2011 để thực hiện từ tháng 3/2011.
Theo Bộ Công Thương, phương án tăng 18% sẽ khiến nhiều chi phí của ngành điện bị “treo lại” chưa được thu hồi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước của ngành xấp xỉ bằng 0 và giá than cho điện bị kìm hãm chưa tăng làm chậm quá trình thị trường hoá giá than.
Nhưng đây là phương án có tỷ lệ tăng giá thấp nhất trong 3 phương án đề xuất, nên Bộ này cho rằng sẽ có ảnh hưởng thấp nhất đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Hơn nữa, với tính toán của Bộ Công Thương, mức tăng ấy có thể đáp ứng được nhu cầu điện năm 2011 tăng trên 15% so với năm 2010 và hệ thống điện có thể vận hành tin cậy.
Một tính toán cho thấy, nếu giá điện tăng 18%, tổng số tiền điện tăng thêm sẽ vào khoảng 19.000 tỉ đồng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 0,54 - 0,72%; tổng số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất là 9.600 tỉ đồng, tăng giá thành từ 0,02 - 9,03%.
Các hộ nghèo có mức tiêu thụ điện 50 kWh/tháng trở xuống thì số tiền phải trả tăng thêm vào khoảng trên 5.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ điện trung bình dưới 100 kWh/tháng sẽ trả thêm trên 21.000 đồng/tháng.
Các hộ có thu nhập trung bình hoặc khá có mức tiêu thụ đến 200 kWh/tháng sẽ trả tiền tăng thêm trên 55.000 đồng/tháng. Các hộ có thu nhập cao với lượng điện tiêu thụ đến 400 kWh/tháng sẽ phải trả thêm từ khoảng 100.000 - 140.000 đồng/tháng (Báo SGTT ngày 14/2).