Cụ thể, xăng điều chỉnh tăng 2.100 đồng/lít (xăng RON 92 từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít); diezen điều chỉnh tăng 1.000 đồng/lít (diezen 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít); Dầu hỏa điều chỉnh tăng 600 đồng/lít (dầu hỏa từ 20.200 đồng/lít lên mức 20.800 đồng/lít); Madut điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg (madut 3,5S từ 16.800 đồng/lít lên mức 18.800 đồng/kg).
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng giảm thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu về 0%. Giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) các chủng loại xăng dầu xuống bằng mức trích Quỹ Bình ổn giá (300 đồng/lít, kg).
Cụ thể, xăng giảm sử dụng Quỹ bình ổn giá từ 1.400 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; diezen giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá từ 1.240 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; dầu hỏa giảm sử dụng Quỹ từ 780 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; Dầu mazut giảm sử dụng Quỹ từ 1.610 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.
Như vậy, đây là lần tăng giá xăng dầu đầu tiên kể từ đầu năm 2012. Trong năm 2011, giá xăng dầu trong nước có 2 lần điều chỉnh tăng vào 24/2 và 29/3 và 2 lần điều chỉnh giảm vào 26/8 và 10/10.
Bộ Tài chính cho biết, đến nay giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng dầu, kinh doanh xăng dầu sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời tạo chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) khoảng từ 4.313 đồng/lít đến 8.387 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp.
Để giải quyết tình hình trên, trong khi các giải pháp tài chính khác không còn: thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng, dầu đã ở mức 0%, một số mặt hàng còn lại thuế suất thấp (3%) và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, vì vậy, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải tiếp tục điều chỉnh giá để phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết thêm, nếu tính đủ thuế theo Barem thuế thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng từ 4.200đ/lít đến 6.500đ/lít tuỳ theo từng chủng loại xăng dầu, mức điều chỉnh trên đây mới chỉ bằng từ 12,56% đến 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tổng số tiền giảm thu Ngân sách Nhà nước do thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn so với Barem quy định để giữ bình ổn giá xăng dầu trong năm 2011 ước khoảng 20.000 tỷ đồng; trong 2 tháng đầu năm 2012 ước khoảng 3.900 tỷ đồng.