Thời gian qua, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu và giá phân bón thế giới liên tục tăng, các doanh nghiệp trong nước vẫn nỗ lực duy trì giá sản phẩm ở mức thấp hơn phân bón nhập khẩu 2-3 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, về dài hạn doanh nghiệp sẽ không thể chống đỡ sức ép cạnh tranh này thêm nữa nếu không có hỗ trợ gỡ khó từ chính sách về thuế.
Nỗ lực giữ giá thấp hơn giá thế giới
Theo ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong những tháng vừa qua giá các loại phân bón như Urê, DAP/MAP, Kali… trên thế giới liên tục tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn cung khan hiếm, vận chuyển khó khăn, đặc biết từ quý III/2021 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu âu khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, Nga… càng chi phối các hoạt động của thị trường, làm nguồn cung suy yếu trong khi nhu cầu tại các khu vực như Ấn Độ, Pakistan... tăng cao.
Đơn cử, mọi diễn biến thị trường Urê hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Trung Quốc - nước xuất khẩu Urê nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng Urê xuất khẩu toàn cầu. Sau khi Chính phủ nước này chủ trương tạm dừng xuất khẩu một số mặt hàng phân bón, trong đó có Urê, đến tháng 6/2022 để phục vụ thị trường nội địa, mức giá Urê tại thị trường Trung Quốc hiện rất thấp, sau khi hết vụ, nguồn cung nội địa đã bắt đầu dư thừa.
“Nếu Trung Quốc xóa bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu thì thị trường Việt Nam sẽ nhanh chóng đảo chiều và hạ nhiệt do việc nhập khẩu từ Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới về Việt Nam chỉ trong 3 ngày. Theo nhiều nguồn tin, mặc dù lệnh đến tháng 6/2022 nhưng dự kiến tháng 1/2022 Trung Quốc sẽ bắt đầu nới dần các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các loại phân bón, các tỉnh phía Nam hết vụ, nhiều khả năng giá phân bón mới có thể hạ nhiệt”, ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc nhận định.
Cụ thể, phân Urê hiện đạt mức cao kỷ lục tại nhiều thị trường kể từ năm 2008, lên đến 800-900 USD/tấn, tăng 200% so với đầu năm 2021. Giá DAP/MAP tiếp tục tăng và thiết lập những mức kỷ lục mới, trong đó giá DAP tại một số khu vực lên đến 600-700 USD/tấn, tăng gần 300 USD/tấn so với đầu năm 2021. Các loại phân bón như Kali, SA, MOP, NPK… cũng liên tục tăng cao.
Tại thị trường Việt Nam, từ tháng 4/2021, do ảnh hưởng của giá phân bón các loại và nguyên liệu để sản xuất như lưu huỳnh, amoniac… tăng cao kéo theo giá phân bón trong nước tăng theo mặc dù nhu cầu nội địa nhìn chung không tăng so với năm 2020.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã nhiều bước tiến quan trọng trong việc quy hoạch lại ngành sản xuất phân bón trong nước, tổng lượng phân bón sản xuất trong nước được mở rộng và nếu phát huy hết công suất của các nhà máy sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng đối với ngành nông nghiệp.
Ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem (DAP 1) cho rằng đây là cơ sở rất quan trọng để Việt Nam không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn phân bón nhập khẩu và biến động giá trên thế giới. Từ cuối năm 2020 đến nay, mặc dù chịu nhiều sức ép tăng giá nhưng giá phân bón sản xuất trong nước luôn duy trì ở mức thấp hơn phân bón nhập khẩu từ 2-3 triệu đồng/tấn.
Một đơn vị sản xuất phân bón trong nước khác nhận định, giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng giữ ở mức cao, trong khi hiện nay đang vào vụ của các cây trồng chính nên khả năng trong giai đoạn này giá phân bón tại thị trường nội địa cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì giá phân bón sản xuất trong nước ở mức hợp lý và sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng phân bón cho nông nghiệp.
Mong “được chịu thuế”
Bất chấp những nỗ lực này, các doanh nghiệp phân bón vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mà một trong số đó là sức cạnh tranh gay gắt từ phân bón nhập khẩu.
Ngày 1/1/2015 Luật số 71/2014/QH13 về thuế giá trị gia tăng có hiệu lực, trong đó quy định phân bón là hàng hoá không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), nguyên liệu đầu vào không được khấu trừ, chi phí sản xuất tăng đáng kể. Các dự án đầu tư cho sản xuất phân bón cũng không được hoàn thuế GTGT cho trang thiết bị công nghệ cấu thành tài sản cố định của dự án, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án và trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm. Những điều này ảnh đều ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp phân bón trong nước cũng như giá thành sản phẩm phân bón tại chính thị trường sân nhà. Vậy nên, doanh nghiệp giờ chỉ mong “được chịu thuế GTGT”.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thời gian qua đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%.
Khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân.
Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, giúp không làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và không tăng giá bán phân bón cho nông dân.
Theo Tổng Giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp, trong cả hai trường hợp thì phân bón sản xuất trong nước đều không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu.
“Nếu được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng chịu thuế GTGT thì đây sẽ là một điểm rất tích cực đối với người nông dân và ngành sản xuất phân bón trong nước”, ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc DAP 1 kỳ vọng.
Ông Bằng phân tích thêm, theo tính toán sơ bộ, số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất phân bón không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất phân bón trong giai đoạn 2016-2020 trung bình mỗi năm khoảng 1.200 tỷ đồng. Thay vì phải tính vào chi phí sản xuất thì nay về cơ bản số thuế GTGT đầu vào này doanh nghiệp sẽ được khấu trừ và không phải tính vào chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm. Do đó phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó thêm cơ hội để hạ giá phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân sử dụng phân bón với giá thấp hơn.
Không chỉ vậy, ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng giám đốc Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho rằng việc được đưa vào danh mục hàng hóa chịu thuế GTGT còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân bón đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phân bón có chất lượng cao, phân bón thế hệ mới nhờ động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh đến từ thị trường, tăng tích tụ vốn, thu hút thêm đầu tư và đổi mới công nghệ. Ở góc nhìn sâu hơn, điều này sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chủ động nguồn cung trong nước và ổn định an ninh lương thực quốc gia.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời tiếp tục phối hợp tốt hơn với các Bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn (nhằm bình ổn thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp). Trong đó có việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm; đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 9/11/2021. |