Mặc dù thuộc diện hàng hoá được bình ổn giá nhưng gần đây, giá bán các loại phân bón trên thị trường lại thay đổi liên tục. Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giải quyết vấn đề này không chỉ đơn giản bằng những thủ tục hành chính mà cần phải đẩy mạnh cân đối cung - cầu.
Mệnh lệnh hành chính có bình ổn được giá?
Theo Bộ Công Thương, trong quý I/2011, giá cả các loại phân bón tăng đáng kể. Cụ thể, phân urê tăng 18,3%; lân 2,6%; NPK 37,9%; DAP 66,3%.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số loại phân bón như urê nước ta phải nhập 50%; SA, kali nhập 100%, DAP trong nước mới đáp ứng được 20% nên giá phân bón bị tác động nhiều bởi giá thế giới. Ông Bùi Thế Chuyên, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cho biết: “Từ ngày 1/4/2011, giá than bán cho sản xuất phân bón đã tăng 20% với than cục, còn than cám tăng 40%, khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh phân bón phải tăng giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp dụng mức thuế 110% (nhằm hạn chế xuất khẩu, ưu tiên cho nhu cầu trong nước) khiến phân bón nước ta tiếp tục bất ổn cả về giá và nguồn cung. Do vậy, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tuy nhiên mức tăng như thế nào thì chưa thể khẳng định”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nông sản cho biết: “Hiện, chúng tôi đã phải tăng giá bán phân bón lên bình quân 150.000 đồng/tấn. Song mức tăng này nếu so với giá nguyên liệu đầu vào thì vẫn chưa phải là cao”.
Tại các chỉ thị mới đây về bình ổn thị trường, Bộ Công Thương yêu cầu các DN sản xuất phân bón trong nước giảm thiểu chi phí, hạn chế tăng giá bán trong các thời kỳ cao điểm. Tuy nhiên, kể cả khi các DN trong nước không tăng giá nhưng khi đưa ra thị trường qua khâu lưu thông, giá bán đến tay nông dân vẫn bị đẩy lên. Câu hỏi đặt ra là liệu biện pháp về mệnh lệnh hành chính tại các chỉ thị đã đủ để bình ổn thị trường hay chưa?
Chủ động cân đối cung - cầu
“Phân bón là mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Nhưng việc này vẫn mang tính hình thức, mặc dù đã được áp dụng khá lâu nhưng hiệu quả mang lại không cao. Do vậy, để nhanh chóng bình ổn thị trường phân bón trong nước, chủ động hơn trong việc kiểm soát giá bán lẻ và phù hợp hơn với cơ chế thị trường, giải pháp bình ổn thông qua việc điều tiết cân đối cung - cầu có vai trò rất quan trọng. Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các DN sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc để sẵn sàng cung ứng khi thị trường có biến động lớn hoặc mất cân đối cung cầu. Để thực hiện tốt việc dự trữ hàng, DN sẽ nhận được những hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các ưu đãi về tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận nguồn cung ngoại tệ...”, ông An nói.
Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức lại hệ thống phân phối phân bón chính là một trong những giải pháp đảm bảo mức chênh lệch giá từ nhà sản xuất đến tay người nông dân ở mức thấp nhất. Trên cơ sở đó, các DN phải mở rộng mạng lưới cung ứng phân bón trực tiếp đến nông dân, nhằm tăng cường kiểm soát giá bán trong hệ thống, hạn chế sự tăng giá bất hợp lý trong khâu lưu thông.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: “Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động điều tiết cung - cầu phân bón qua các chính sách thuế, xuất – nhập khẩu như: tăng thuế xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu hoặc đề xuất tạm thời ngừng xuất khẩu đối với một số chủng loại phân bón quan trọng trong một thời gian nhất định. Cục Quản lý giá sẽ tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá thông qua việc thanh, kiểm tra phương án tính giá phân bón và mức giá phân bón của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp lệnh giá”.
Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí miền Bắc (PVFCCo North) cho biết, hàng năm Tổng công ty nhập khoảng 130.000-200.000 tấn phân bón các loại và duy trì mức dự trữ tối thiểu 70.000 tấn, cung cấp gần 5 triệu tấn phân đạm chất lượng cao ra thị trường, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước. Tổng công ty cam kết giữ mức giá cố định khi bán ra thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện tốt quy định về bình ổn giá, một mình PVFCCo North không thể quyết định được mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước với các DN và giữa các DN với nhau. Trong đó, hướng bình ổn tốt nhất là các DN cam kết mức giá bán hợp lý.