(Chinhphu.vn) - Tổ chức, cá nhân không được chào bán chứng khoán ra công chúng trong trường hợp doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện theo Điều 12 Luật Chứng khoán, hoặc chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập DN, trừ một số trường hợp cụ thể của DN thành lập mới thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ cao theo quy định.
Công ty cổ phần sau khi sáp nhập một năm trở lên và kinh doanh có lãi được chào bán cổ phiếu -Ảnh minh họa |
Theo đó, việc đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng phải do tổ chức phát thành thực hiện, trừ các trường hợp: chủ sở hữu Nhà nước (bao gồm cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước) thực hiện bán phần vốn nhà nước do Tập đoàn, Tổng công ty nắm giữ ra công chúng nhằm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN; cổ đông lớn bán phần vốn sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng.
Tổ chức phát hành chứng khoán phải mở một tài khoản riêng tại ngân hàng
Tổ chức phát hành phải mở một tài khoản riêng biệt tại một ngân hàng thương mại để phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán. Trường hợp tổ chức phát hành là ngân hàng thương mại thì phải lựa chọn một ngân hàng thương mại khác để phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả chào bán kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán. Sau khi gửi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
Định kỳ 6 tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cho đến khi hoàn thành việc giải ngân, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về lý do thay đổi và Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thay đổi hoặc chấp nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với tổ chức phát hành nước ngoài theo quy định.
Công ty cổ phần sau khi sáp nhập 1 năm trở lên và kinh doanh có lãi được chào bán cổ phiếu
Về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của một số loại hình DN, Nghị định bổ sung trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập DN. Theo đó, để được chào bán chứng khoán, công ty cổ phần phải có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên và có kết quả hoạt động kinh doanh có lãi tính đến thời điểm đăng ký chào bán.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng để hoán đổi cổ phiếu và thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại DN thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nghị định quy định rõ việc chấm dứt tư cách công ty đại chúng. Theo đó, trừ trường hợp công ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc đã niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán, đối với công ty đại chúng theo quy định phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin ra công chúng về việc chấm dứt tư cách công ty đại chúng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày không còn đủ 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc vốn điều lệ điều chỉnh xuống dưới 10 tỷ đồng Việt Nam.
6 điều kiện tổ chức phát hành nước ngoài được chào bán chứng khoán tại Việt Nam
6 điều kiện tổ chức phát hành nước ngoài được chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam đó là: có dự án đầu tư tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để đầu tư vào dự án tại Việt Nam; có cam kết của tổ chức nước ngoài thực hiện dự án tại Việt Nam; có cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài và không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn của dự án được cấp phép; có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức phát hành theo quy định của pháp luật Việt Nam; được tối thiểu 1 công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia bảo lãnh phát hành; tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành chứng khoán tại Việt Nam.
Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 20/9/2010.