Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ; tiền lương hưu cho lao động nữ; thêm trường hợp được miễn chi phí khám chữa bệnh; người nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội; quy định về tổ chức họp của cơ quan nhà nước…là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018.
Cách tính mới tiền lương ngày nghỉ lễ
Theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/12) sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên, ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương.
Cụ thể, trong các ngày nghỉ nêu trên, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày ngày lao động nghỉ.
Theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.
Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ
Nghị định 153/2018 có hiệu lực từ ngày 24/12 quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ năm 2018 đến năm 2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng như sau:
Mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm hưởng lương hưu.
Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 và số người có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội là khoảng 91.000, gồm 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.
Nhiều trường hợp được miễn chi phí khám chữa bệnh
Nghị định 146/2018 có hiệu lực từ ngày 1/12 quy định hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Y tế đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đến khởi nghĩa tháng tám năm 1945; mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi...
Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, gồm:
- Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội.
- Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong công an nhân dân.
- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
Cụ thể, thân nhân của các nhóm đối tượng trên bao gồm: -Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng.
- Vợ hoặc chồng.
- Con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học phổ thông.
Miễn học phí trẻ 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn
Có hiệu lực từ ngày 1/12, Nghị định 145/2018 nêu rõ ngoài 15 trường hợp đã được miễn học phí theo quy định trước đây thì từ năm học 2018-2019 (tức từ ngày 1/9/2018), Nhà nước miễn học phí đối với trẻ học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo...
Cấm họp kết hợp tham quan, nghỉ mát
Quyết định 45/2018 của Thủ tướng có hiệu lực từ 25/12 quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó có 5 trường hợp không được tổ chức cuộc họp.
Đó là cuộc họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp; họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết; họp giải quyết công việc đã được pháp luật quy định bằng các cách thức khác không phải thông qua cuộc họp;
Họp nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của cấp dưới thay thế cho việc kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị cấp dưới và cơ sở; họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội
Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP (hiệu lực từ 1/12) quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Học viên lái xe được đào tạo trên thiết bị mô phỏng
Theo Nghị định 138 sửa đổi quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe có hiệu lực từ tháng 1/12, phòng học lái xe phải được trang bị phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy như băng đĩa, đèn chiếu; có hình hoặc tranh vẽ mô tả thao tác lái xe cơ bản như điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng; có xe được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng và có thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe...
Văn bản cũng quy định tiêu chuẩn chung giáo viên dạy lái xe, như phải đáp ứng tiêu chuẩn với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp về giáo dục nghề nghiệp. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, ở các chuyên ngành luật, công nghệ ôtô, công nghệ kỹ thuật ôtô, lắp ráp ôtô...
Ngoài ra, một số quy định mới về chế độ phụ cấp ưu đãi với giáo viên trường công lập; Vay vốn trồng cây lâu năm được thỏa thuận ân hạn nợ gốc; Xét xử bị cáo dưới 18 tuổi, Thẩm phán không mặc áo choàng…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018.
Nguồn: VnEconomy.vn