Hàng loạt Trung tâm "ma" kiểm nghiệm phân bón (1): Tự ý "đẻ" 7 trung tâm con không phép

09:33 SA @ Thứ Ba - 15 Tháng Ba, 2016

Phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn ngập thị trường, gây khó cho cơ quan quản lý và đặc biệt, gây hậu quả khôn lường cho nông dân. Đáng nói, tiếp tay cho hành vi sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng này lại là những người làm công tác khảo kiểm nghiệm, cấp giấy chứng nhận.

“Nhân bản” khi chưa có quyết định

Năm 2012, khi đề án thành lập Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón chưa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thông qua thì Cục Trồng trọt đã tự ý “bật đèn xanh” cho 7 Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón ra đời. Và từ đây, hàng loạt loại phân bón được 7 trung tâm “ma” này cấp giấy chứng nhận.

Ngày 4-12-2008, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ký Quyết định 3854 thành lập Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia (Trung tâm phân bón quốc gia) trực thuộc Cục Trồng trọt. Theo Điều 1 của quyết định này, việc thành lập trung tâm trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia.

Theo đó, lĩnh vực phân bón được tách ra hoạt động riêng và là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Quyết định cũng nêu giao cho Cục trưởng Cục Trồng trọt quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của trung tâm theo nhiệm vụ và phân cấp hiện hành.

Trên cơ sở này, ngày 13-6-2012, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc ký Quyết định 242/QĐ-TT-VP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm phân bón quốc gia.

Theo Quyết định 242 của Cục Trồng trọt, ngoài cơ cấu tổ chức các phòng, ban của trung tâm theo quy định, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt còn cho thành lập thêm 7 đơn vị trực thuộc Trung tâm phân bón quốc gia.

Cụ thể gồm: Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ, Trạm khảo kiểm nghiệm phân bón Văn Lâm, Trạm khảo kiểm nghiệm phân bón Đồng bằng sông Hồng, Trạm khảo kiểm nghiệm phân bón đồng bằng sông Cửu Long, Trạm khảo kiểm nghiệm phân bón miền Trung, Trạm khảo kiểm nghiệm phân bón Tây Nguyên và Trạm khảo kiểm nghiệm phân bón miền núi phía Bắc. 7 đơn vị này có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Dù trực thuộc Trung tâm phân bón quốc gia nhưng cơ cấu, tổ chức, chức năng và nhiệm vụ 7 trung tâm, trạm khảo kiểm nghiệm phân bón có chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức giống y chang trung tâm “mẹ”. Thêm nữa, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt còn chuyển luôn Trạm khảo kiểm nghiệm phân bón đồng bằng sông Cửu Long về Trung tâm phân bón vùng Nam bộ quản lý.

Theo quy định, khi muốn thành lập các đơn vị sự nghiệp, Cục Trồng trọt phải xây dựng Đề án sau đó trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông qua. Song, khi đề cập về Đề án thành lập 7 trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón, trực thuộc Trung tâm phân bón quốc gia, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhìn nhận, đề án thành lập các trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón được xây dựng từ năm 2014, đã được trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phê duyệt nhưng đến nay, Bộ trưởng chưa phê duyệt!

Tự tung tự tác

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm phân bón quốc gia khẳng định, theo Quyết định 663 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì Bộ chỉ thành lập 2 trung tâm là Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia và Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, năm 2013, Trung tâm phân bón quốc gia làm đề án thành lập các trung tâm, trạm khảo kiểm nghiệm phân bón để trình Bộ phê duyệt, nhưng Bộ trưởng không phê duyệt vì không đúng với quy định tại Nghị định 108, Quyết định 2218 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 39 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, dù đã vượt quyền Bộ trưởng Bộ NN&PTNT để “đẻ” ra 7 trung tâm và trạm khảo kiểm nghiệm phân bón trực thuộc Trung tâm phân bón quốc gia, nhưng từ năm 2012 đến nay, 7 đơn vị này hoạt động như thế nào Trung tâm phân bón quốc gia không hề hay biết và không quản lý, chịu trách nhiệm.

Giám đốc Trung tâm phân bón quốc gia khẳng định: “Các đơn vị không báo cáo kết quả hoạt động với Trung tâm phân bón quốc gia. Họ làm công tác khảo kiểm nghiệm và cấp các giấy chứng nhận hợp quy cho các đơn vị sản xuất phân bón như thế nào chúng tôi không được biết”.

Nguồn: