Vừa qua, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao: Giải pháp cho phát triển bền vững”.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tap chí Tài nguyên và Môi trường - Trưởng ban Tổ chức hội thảo; PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, kiêm TTK Hiệp hội Xi măng Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, doanh nghiệp và đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường ở các tỉnh, thành phố… Hội thảo diễn ra theo hình thực trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại gần 50 điểm cầu ở địa phương. Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận và các ý kiến thảo luận về thực trạng về sử dụng tro xỉ và những khó khăn bất cập hiện nay của các doanh nghiệp xử lý tro xỉ, thạch cao và đề xuất các giải pháp, khuyến nghị đối với công tác quản lý, xử lý - sử dụng tro xỉ, thạch cao, nhằm cùng nhau thực hiện Luật BVMT năm 2020 một cách trách nhiệm và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức phát biểu "Đây là sự kiện nhằm phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hưởng ứng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo Quyết định phê duyệt số: 678/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 7/6/2022 và tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao thực hiện trách nhiệm nền kinh tế tuần hoàn tại các địa phương, doanh nghiệp.
Mục đích của Hội thảo nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực thi những chính sách, yêu cầu mới trong Luật BVMT năm 2020 và có những giải pháp phù hợp trong quản lý, xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao nhằm BVMT sống an toàn, trong lành cho cộng đồng xã hội, đồng thời hướng tới các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân".
Thực hiện hành lang pháp lý, tạo “cú huých” thúc đẩy chuỗi tuần hoàn
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, KTTH đang được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, tạo việc làm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 08/CT-TTg về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Đây được xem là “cú huých” nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ tro xỉ đang tồn đọng tại các nhà máy sản xuất điện, phân bón, hóa chất hiện nay. Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Lượng tiêu thụ chưa cân bằng với lượng phát thải. Lượng tro, xỉ, thạch cao lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy hiện còn rất lớn và tiếp tục tăng cao, nhiều bãi thải chỉ còn khả năng lưu chứa trong một vài năm tới.
Để đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Theo đó, trong đó quy định tro bay từ quá trình đốt than của nhà máy nhiệt điện là chất thải rắn công nghiệp thông thường thay vì phải kiểm soát ngưỡng nguy hại theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại như trước đây. Việc thay đổi quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu thụ tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Đánh giá về thực trạng thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao,… ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã nêu rõ về mối nguy từ chất thải tro, xỉ, thạch cao,... tồn dư trên mặt đất, nếu gặp mưa, lâu ngày sẽ ngấm, thẩm thấu sâu vào lòng đất và cho rằng các doanh nghiệp trong ngành xi măng đang chuyển mình thực hiện một cách có trách nhiệm, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đồng thời, PGS.TS Trương Đức Long đã đưa ra một số kinh nghiệm sử dụng tro, xỉ, thạch cao tái sử dụng phục vụ cho giao thông, cho ngành xây dựng ở một số nước và gợi ý kinh nghiệm cho Việt Nam.
Là một trong số đơn vị được nhận định là có trách nhiệm trong việc xử lý tro xỉ là Tập đoàn EVN, ông Phạm Thanh Sơn, Ban Kỹ thuật - sản xuất, Tập đoàn EVN cho biết: Trong thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ tro, xỉ và đã đem lại những kết quả tích cực. Trung bình hàng năm, tổng các NMNĐ trực thuộc EVN và các EVNGENCO tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than, đồng thời phát sinh khoảng 6÷8 triệu tấn tro xỉ (chưa kể khối lượng nhỏ thạch cao phát sinh tại 1 số NMNĐ dùng đá vôi để khử lưu huỳnh trong khói thay vì dùng nước biển). Tỷ lệ tiêu thụ, tái sử dụng tro xỉ tại các NMNĐ thuộc EVN đã tăng dần qua các năm (33% năm 2015; 35% năm 2016; 48% năm 2017; 55% năm 2018; 69% năm 2019; 84% năm 2020; 94% năm 2021).
Được biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng tro, xỉ phát sinh là 6,03 triệu tấn, trong đó có 4,9 triệu tấn tro bay và 1,13 triệu tấn xỉ đáy lò cùng với 51 nghìn tấn thạch cao. Tổng khối lượng tro, xỉ đã tiêu thụ là 6,84 triệu tấn, đạt 113% khối lượng phát sinh. Tỉ lệ tro xỉ tiêu thụ trong năm 2022 cao hơn so với tỷ lệ tiêu thụ trung bình trong năm 2021. Trong thời gian qua, công tác xử lý, tiêu thụ tro xỉ của các NMNĐ đã có nhiều thuận lợi hơn. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để sử dụng tro, xỉ, thạch cao trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông đã từng bước hoàn thiện; các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn cũng đã được ban hành. Việc này đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy.
Đối với các NMNĐ của EVN, các đơn vị đều đã thực hiện công tác phân tích các thành phần, tính chất đặc trưng của tro xỉ (tất cả các chỉ tiêu, thành phần hóa học, thành phần nguy hại, hoạt độ phóng xạ riêng, chỉ số hoạt độ phóng xạ an toàn I...) và đều đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị cũng đã thực hiện đăng kí hợp chuẩn, hợp quy, giấy chứng nhận tro xỉ đủ điều kiện để tái sử dụng vào các mục đích cụ thể như làm phụ gia xi măng, bê tông, vật liệu san lấp, nền đường ô tô. Tuy nhiên, việc có thể đưa tro xỉ nhiệt điện vào sử dụng cho các dự án xây dựng tại địa phương còn nhiều khó khăn (mặc dù đã có đầy đủ các giấy tờ pháp lý về hợp chuẩn, hợp quy để tái sử dụng tro xỉ) do chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích chủ đầu tư các công trình xây dựng (đặc biệt là các công trình công sử dụng ngân sách nhà nước) ở các địa phương tiếp nhận và áp dụng.
Đại diện nhà quản lý địa phương đã đưa ra một số chia sẻ về thực trạng và khó khăn, ông Vũ Đình Thủy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Lào Cai cho biết, hiện nay tro, xỉ, thạch cao phát sinh trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu các nhà máy sản xuất hóa chất (phốt pho vàng) và sản xuất phân bón tại KCN Tằng Loỏng. Cụ thể, đối với các nhà máy sản xuất phốt pho vàng (07 nhà máy), có tổng khối lượng xỉ lò điện phát sinh hàng năm là trên 700.000 tấn. Nhà máy sản xuất phân bón Điamon phốt phát (DAP) số 2 của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, khối lượng phát sinh Gyps thải hàng tháng khoảng 30.000 tấn/tháng (trung bình 6 tháng đầu năm 2022). Tổng lượng Gyps còn tồn đến hiện tại: khoảng 2,6 triệu tấn. Tổng dung lượng bãi chứa Gyps 10,5 ha theo ĐTM là 3,8 triệu tấn, tương đương với 05 năm vận hành 100% công suất. Dung lượng đã sử dụng của bãi chứa đến nay khoảng 2,6 triệu tấn và sức chứa còn lại theo ĐTM khoảng 1,2 triệu tấn.
Cũng theo ông Vũ Đình Thủy, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg; Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu các doanh nghiệp phải có các giải pháp quản lý và chủ động xử lý tro, xỉ lò điện, Gysp thải phát sinh. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các doanh nghiệp phát sinh tro xỉ, Gysp thải đã chủ động nghiên cứu tìm các giải pháp xử lý nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ONMT. Đến nay một số doanh nghiệp đã thực hiện việc chuyển giao tro xỉ, Gysp thải cho các đơn vị có nhu cầu, tái chế, tái sử dụng.
Chỉ rõ một số bất cập trong thực hiện
Đại diện Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, việc xử lý tiêu thụ tro, xỉ thạch cao cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến lượng tro, xỉ, thạch cao tại các bãi chứa vẫn còn tồn đọng tương đối nhiều, đặc biệt là lượng bã gyps thải ra gần như chưa tiêu thụ được, phải lưu trữ toàn bộ tại bãi chứa. Việc tro, xỉ, thạch cao tại bãi chứa tiêu thụ còn chậm chủ yếu do một số nguyên nhân như chi phí vận chuyển lớn; một số nhà máy nhiệt điện chưa thực hiện phân loại riêng biệt tro và xỉ gây khó khăn cho việc xử lý và sử dụng tro, xỉ; năng lực của một đơn vị tham gia xử lý tro, xỉ, thạch cao còn hạn chế nên không thực hiện được mục tiêu như đã cam kết. Đối với thạch cao PG, chưa có nhiều nghiên cứu về ứng dụng của bã thạch cao cũng như các phương pháp xử lý để sử dụng một cách hiệu quả, hiện nay mới chỉ có một số hướng nghiên cứu sử dụng bã thải thạch cao để làm làm nền đường giao thông nông thôn nhưng chưa có kết quả cuối cùng nên lượng tiêu thụ còn hạn chế.
Ông Vũ Đình Thủy cũng cho biết, hiện nay, khó khăn vướng mắc của tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung chủ yếu liên quan đến việc xử lý Gysp thải. Mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng đề án xử lý, tiêu thụ tìm hướng giải quyết việc tồn lưu Gyps tại bãi chứa bằng việc nghiên cứu sản xuất thạch cao hoặc chuyển giao cho các cơ sở có nhu cầu. Tuy nhiên hiệu quả không cao, mức tiêu thụ không đáng kể do giá thành sản xuất ra thạch cao tiêu thụ cao, khó cạnh tranh nguồn nhập khẩu. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn để xử lý sang các dạng vật liệu khác (vật liệu xây dựng, san lấp, ...) hiện tại chưa đầy đủ.
Đưa ra một số kiến nghị, đề xuất
Tại hội thảo, các đại biểu tại hội thảo đều có chung đề xuất cho việc tục đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường thực hiện những nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg, đặc biệt là các chủ cơ sở phát thải chưa đạt được kết quả tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao như yêu cầu, mục tiêu đặt ra cần tiếp tục thực hiện nghiêm những nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Chỉ thị nêu trên.
Việc tham mưu của các bộ, ban ngành cho Chính phủ để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các hướng dẫn, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, khi tro, xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng, cần được coi là hàng hóa vật liệu xây dựng và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa, sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang thông thoáng thúc đẩy việc tiêu thụ, tái sử dụng tro, xỉ của các nhà máy, doanh nghiệp trong nước.
Về mặt kỹ thuật, các đơn vị phải kiểm soát chặt chất lượng tro xỉ, thường xuyên kiểm tra đảm bảo tro xỉ đem đi tiêu thụ phải đạt tiêu chuẩn, có giải pháp xử lý triệt để tro xỉ nhiễm dầu.
Đẩy mạnh giải pháp xuất tro xỉ bằng đường biển qua cảng nội bộ của nhà máy, thực hiện nghiên cứu, phân tích thị trường tiêu thụ tro xỉ trong và ngoài nước để lựa chọn quy mô cảng xuất tro xỉ phù hợp. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, quản lý, tổng hợp, đánh giá và phân tích các số liệu về thị trường tiêu thụ tro xỉ, khối lượng và mục đích sử dụng tro xỉ của các đối tác tiếp nhận tro xỉ của doanh nghiệp theo các phương án, giải pháp, thị trường tiêu thụ mới, hiệu quả, bền vững. Đảm bảo tuyệt đối về các vấn đề an toàn môi trường, công tác vận chuyển tro xỉ từ silo, bãi xỉ đến nơi tiêu thụ phải được kiểm soát và thực hiện theo đúng quy trình, quy định.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ mong muốn trong chặng đường phát triển đất nước, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất nói chung và tro, trỉ, thạch cao,..nói riêng cần chung tay đồng lòng thực hiện và tìm giải pháp để cùng góp phần với Chính phủ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh và thực hiện các cam kết tại COP26 về ứng phó với BĐKH, giảm thiểu các tác động xấu và rủi ro trong quá trình phát triển đòi hỏi việc xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh bền vững theo hướng KTTH. Để thực hiện được KTTH đòi hỏi một tiến trình dài hạn với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống để từng bước hình thành và vận hành các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế; đổi mới, sáng tạo trên cơ sở áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ để thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng tuần hoàn với tầm nhìn chia sẻ. Trước một vấn đề mới trong bối cảnh hạn chế về thể chế, hạ tầng, khoa học và công nghệ, nhận thức đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật để đưa chủ trương này vào thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề hiệu lực và hiệu quả của các công cụ chính sách là bài toán khó trong thời gian tới. Do đó, để thực hiện được các đề xuất chính sách ở trên trong ngắn hạn Việt Nam cần tập trung đưa các quy định trong Luật BVMT, đặc biệt là cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, bộ tiêu chí chung ở cấp quốc gia, tiêu chí đối với các ngành, lĩnh vực và đối với từng loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các chính sách đặc thù để khuyến khích thực hiện KTTH; đưa những công cụ chính sách có vai trò thúc đẩy áp dụng KTTH vào thực tiễn.
Nhằm lan tỏa thông điệp thực hiện nghiêm túc Luật BVMT năm 2020 và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà sản xuất nêu cao trách nhiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh: “Doanh nghiệp tái chế và tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất và các hoạt động kinh tế khác thực hiện theo đúng quy trình, có trách nhiệm sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chuyển giao những công nghệ hiện đại, hướng tới phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường với mong muốn thông qua Hội thảo này, góp phần truyền thông chính sách Luật BVMT năm 2020 vào đời sống thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân và người dân về việc tăng cường quản lý, xử lý, tái chế và sử dụng tro xỉ, thạch cao, góp phần giảm bớt phát thải gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng khí nhà kính, vì môi trường sống xanh cho cộng đồng xã hội, đó cũng là tiêu chí để xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại số"./.