Việc quản lý thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên vẫn đang “tiềm ẩn” nhiều bất ổn, trở ngại cần sớm tháo gỡ để bảo vệ nông dân và bảo đảm cho một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đăk Nông, mỗi năm nông dân trong tỉnh cần trên 400.000 tấn phân các loại, với tổng số tiền mua phân bón gần 5.000 tỷ đồng, gấp khoảng 2 – 3 lần so với các tỉnh thành khác.
Mỗi thôn mỗi hội thảo
Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho hay, tại địa phương này, mỗi năm các doanh nghiệp tổ chức hàng trăm hội thảo về phân bón và thuốc BVTV cho cây hồ tiêu. Tuy nhiên, việc hạn chế hoặc kiểm soát cấp phép tổ chức là không thể, thậm chí phạm luật vì doanh nghiệp đã xin đầy đủ thủ tục.
Số liệu được ghi nhận trong nửa đầu năm 2017, tỉnh này đã cấp phép hơn 400 cuộc hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón tại các địa phương. Trong khi, toàn tỉnh có 71 xã, phường, thị trấn với hơn 770 thôn. Tính trung bình hàng năm, mỗi thôn đều có 1 cuộc hội thảo, giới thiệu, tiếp thị phân bón.
Tìm hiểu tình hình tại đây, phóng viên được nhiều nông dân trồng tiêu phản ánh, họ đang lâm cảnh "bội thực" thông tin. Doanh nghiệp cứ nói thao thao bất tuyệt, xong tặng một ít quà cáp, rồi khuyến dụ nông dân mua phân, thuốc. “Người dân gần như lạc vào mê hồn trận, không thể nhớ nổi bao nhiêu danh hiệu phân bón. Đây là điều cực kỳ tai hại mà cả nông dân, lẫn chi cục trồng trọt và BVTV đang gặp nhiều khó khăn” - ông Tùng kể.
Thêm vào đó, nhiều nông dân ở Đăk Nông vẫn duy trì thói quen canh tác theo kinh nghiệm, ít hoặc áp dụng sai quy trình kỹ thuật trồng. Ai thích loại phân, thuốc nào bón loại đó trong khi tiêu là cây mẫn cảm với dịch bệnh. Thực tế, nhiều vùng đất đang cằn cỗi đi nhanh chóng do nhà nông lạm dụng phân bón, thuốc BVTV. Từ đó, dẫn tới độ pH (chua) trong đất giảm, sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh hại phát sinh.
Gia đình anh Nguyễn Tấn Hồng (huyện Đăk Song, Đăk Nông) có gần 2ha đất rẫy trồng hồ tiêu tiêu, và phê nhưng bình quân mỗi năm chỉ thu lời khoảng 50 triệu đồng. Theo anh kể, mỗi năm anh vẫn bón 3 đợt phân cho các loại cây trồng. Tuy nhiên lượng phân anh bón lại tùy theo điều kiện... kinh tế, chứ không theo quy trình kỹ thuật nào, có nhiều bón nhiều, có ít bón ít.
“Người dân cứ nghe theo lời các cửa hàng vật tư nông nghiệp, họ chỉ sao thì làm theo vậy. Việc hướng dẫn bị tam sao thất bản, dẫn đến sâu bệnh trị không hết mà còn tồn dư thuốc BVTV” - ông Tùng nói.
Biết nhưng làm ngơ?
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thịnh - nông dân trồng tiêu giỏi tỉnh Bình Phước kể, doanh nghiệp chỉ nói sản phẩm của họ tốt hoặc là số 1 chứ chẳng ai nhận mình là số 2. Nông dân cứ nghe 100 hội thảo, thì cũng nghe được rằng 100 sản phẩm tốt nhất. Cứ nghe xong thấy hay, mua về dùng, nên cây bị rối loạn.
“Như thế mới có câu chuyện, càng đi dự nhiều hội thảo về thuốc men, phân bón thì cây trồng càng… mau chết. Sự bội thực này có nguyên nhân từ gia tăng diện tích trồng tiêu mà tiêu thì mang nhiều bệnh tật nên người ta lại càng xúm vô quảng cáo. Vấn đề là cách thức và trách nhiệm quản lý của chính quyền” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng đặt câu hỏi: Tại địa phương cấp phép tổ chức hội thảo, trạm trồng trọt hoặc chi cục BVTV có cử người đại diện đi theo hay không? Có kiểm soát được doanh nghiệp quảng cáo gì không? Vì khi doanh nghiệp “nói trời nói bể”, nông dân cũng không đủ kiến thức để nhận biết hoặc phản biện.
Theo ông Hoàng Phước Bính - Chủ tịch Hiệp hội Tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhiều đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp cũng vì hám lợi mà tiếp tay cho cho các doanh nghiệp làm ăn gian dối. Nói lực lượng chức năng, quản lý địa phương không biết là vô lý. Họ biết nhưng thực trạng vẫn tồn tại mới là vấn đề. Không chỉ nông dân, mà ngay các doanh nghiệp chân chính cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Bính, điều doanh nghiệp sợ nhất là các đại lý cấp 1 mua sắm dây chuyền để tự chế biến phân NPK. Các cửa hàng và đại lý thống nhất với nhau sản xuất, thay vì tỷ lệ là 16N–16P–8K thì chỉ còn 14N–14P–6K, việc giảm tỷ lệ như trên cốt để giảm giá và tăng doanh số bán ra cho đại lý. Đây chính là lỗ hổng vì khi bán ra, cửa hàng đâu có hóa đơn, chứng từ nào nên nông dân không thể chứng minh lúc gặp sự cố.
“Chính phủ đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, bỏ bớt các giấy phép con, nhưng riêng khâu quản lý kinh doanh phân, thuốc vẫn còn là lỗ hổng lớn khi hình thức đăng ký kinh doanh hộ cá thể quá nhiều. Nhiều hộ kinh doanh cứ ghi chữ “đại lý vật tư nông nghiệp” rồi mua bán vô tội vạ, không cần kiểm kê sổ sách, giấy tờ, hóa đơn”- ông Bính phản ánh.
Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu Chư Sê kiến nghị, không thể duy trì cách đăng ký kinh doanh vật tư nông nghiệp theo hộ gia đình như hiện nay. Việc mua bán thuốc, phân phải để doanh nghiệp thực hiện, phải có hóa đơn đầu vào đầu ra, mua bán cho ai đều phải có chứng cứ.
"Nông dân cần phải sàng lọc, lựa chọn thông tin và cân nhắc khi mua sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm có quá nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi đi kèm, trong khi bản thân thương hiệu mới và chưa có uy tín trên thị trường”.
Ông Trương Thanh Tùng
Nguồn: Dân Việt