Bộ Công Thương vừa chính thức áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu (NK) vào Việt Nam, nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng, ổn định lâu dài cho thị trường phân bón trong nước, đem lại lợi ích bền vững cho người nông dân.
Áp thuế tự vệ trong hai năm
Bắt đầu từ tháng 3-2018, hai sản phẩm phân bón DAP, MAP khi NK vào Việt Nam sẽ phải chịu thuế 1.128.531 đồng/tấn, kéo dài trong thời gian hai năm. Quyết định này được Bộ Công Thương đưa ra dựa trên kết quả điều tra vụ việc bán phá giá của một số doanh nghiệp (DN) NK phân bón từ giữa năm 2017, khoảng 6 tháng sau khi Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, với mức thuế tự vệ là 1.855.790 đồng/tấn.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan điều tra đã xem xét khá kỹ việc DN phân bón trong nước có thực sự bị ảnh hưởng, thiệt hại do nguồn phân bón NK hay xuất phát từ các lý do khác… Kết quả cho thấy, việc gia tăng lượng phân bón NK chính là nguyên nhân trọng yếu khiến DN trong nước thiệt hại. Năm 2016, tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón DAP và MAP trong cả nước khoảng 1,3 triệu tấn, trong đó Việt Nam đã NK gần 1,1 triệu tấn. Năng lực sản xuất của các nhà máy sản xuất hai loại phân bón này tại Việt Nam là 720.000 tấn/năm. Hiện nay, các nhà máy này chỉ duy trì sản xuất 400.000-500.000 tấn/năm, song mức tiêu thụ chỉ đạt 200.000 tấn/năm. Thời gian qua, các nhà máy đã phải ngừng sản xuất vì tồn kho quá nhiều. “Quá trình điều tra cho thấy, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để áp thuế tự vệ chính thức ở mức 1.855.790 đồng/tấn. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước tối đa chỉ đáp ứng khoảng 52% nhu cầu, sau khi cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ đối với DAP và MAP NK là 1.128.531 đồng/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam”- bà Phạm Châu Giang cho biết.
Giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì mức thuế tự vệ nói trên sẽ làm chi phí trồng trọt tăng tối đa không quá 0,72%. Bên cạnh đó, với một nước nông nghiệp như nước ta, vấn đề tự chủ nguồn cung phân bón rất quan trọng. Trước năm 2009 chưa có sản xuất trong nước, giá phân bón DAP từng bị đẩy lên rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008), dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nông dân. Thực tế cho thấy, với những ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, thép, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo... khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào NK.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Công Thương, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trên thực tế, thời gian qua, các DN sản xuất phân bón DAP và MAP trong nước đã phải chịu nhiều áp lực khi phân bón NK ồ ạt chiếm thị trường với lượng lớn và giá thấp. Nếu biện pháp tự vệ không được áp dụng, các nhà máy sản xuất trong nước có thể phải đóng cửa và nếu thị trường chỉ còn hàng NK, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại khi giá bán có thể tăng cao do yếu tố độc quyền cũng như thiếu sự đa dạng về hàng hóa để lựa chọn. Do đó, việc áp dụng biện pháp thuế tự vệ với DAP và MAP là cần thiết nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước trong giai đoạn hiện nay. “Về lâu dài, sự ổn định của mặt hàng phân bón mới thực sự là lợi ích bền vững, to lớn nhất với bà con nông dân. Quyết định này sẽ góp phần bảo đảm ổn định nền sản xuất trong nước”- ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nêu quan điểm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, hiện nay, sản xuất phân bón DAP đang gặp khó khăn nên cần áp thuế tự vệ để hỗ trợ DN nội phát triển. Song, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho phân bón nội địa với hàng ngoại nhập, phải sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), trong đó đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức thấp nhất, bởi hiện nay mặt hàng phân bón thuộc diện miễn thuế GTGT, khiến các DN phân bón không còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn tới chi phí sản xuất tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các DN cần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, như vậy cả DN và người nông dân mới có lợi.
Tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại (hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp) được WTO cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có sự gia tăng của hàng NK và sự gia tăng đó gây ra (hoặc có thể gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.
Nguồn: qdnd.vn