Khảo nghiệm phân NPK là không hợp lý

08:43 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Mười, 2017

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân tổng hợp NPK đang nháo nhào, vì từ nay muốn đưa bất kỳ sản phẩm NPK mới nào ra thị trường đều phải bắt buộc khảo nghiệm với thời gian ít nhất 1 năm.

Các loại phân NPK sau ngày 20/9/2017 đều phải khảo nghiệm

Mặc dù đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, chưa có danh sách đơn vị nào được Cục Bảo vệ Thực vật, cơ quan chuyên ngành quản lý phân bón chỉ định khảo nghiệm theo nghị định mới về quản lý phân bón. Trong khi đó, trước đây còn thực hiện Nghị định 202/NĐCP/2013, một doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón NPK muốn đưa sản phẩm này ra thị trường với hàng chục công thức mà phổ biến hiện nay được người nông dân ưa chuộng là NPK 16-16-8; 20-20-15; 30-10-10; 15-15-15; 16-16-16... thì doanh nghiệp chỉ cần có Giấy phép sản xuất (hoặc gia công) và Giấy tiếp nhận công bố hợp quy của Sở Công thương ở các địa phương cấp.

Trước đó, để có được Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, doanh nghiệp phải có đủ bộ hồ sơ "trình gửi" cho Sở Công thương bao gồm: Đơn xin công bố hợp quy; bảng công bố hợp quy; bảng mô tả chung của sản phẩm; chứng chỉ chứng nhận hợp quy; giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy phép sản xuất (hoặc gia công); bảng công bố tiêu chuẩn cơ sở. Sau thời gian 10 ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công thương sẽ xem xét trả kết quả Giấy tiếp nhận công bố hợp quy (kèm theo tên sản phẩm được lưu hành).

Thế nhưng, muốn có được Giấy tiếp nhận công bố hợp quy của Sở Công thương, doanh nghiệp phải đi đăng ký hợp quy ở những đơn vị được chỉ định với chi phí làm dịch vụ 15 triệu đồng cho mẫu NPK đầu tiên, từ sản phẩm thứ 2 là 3-5 triệu đồng.

Các doanh nghiệp phân bón vừa và nhỏ bắt đầu khốn đốn vì NPK khảo nghiệm

Điều kiện là doanh nghiệp cũng phải gửi mẫu sản phẩm phân bón NPK, các chỉ tiêu công bố của từng sản phẩm. Sau đó, đơn vị chứng nhận hợp quy sẽ kiểm tra chất lượng sản phẩm có phù hợp với các quy chuẩn và có đạt đúng như hàm lượng chỉ tiêu công bố trên bao bì hay không. Nếu hợp lệ, sau 1 tháng đơn vị chứng nhận hợp quy sẽ cấp cho doanh nghiệp Chứng chỉ chứng nhận hợp quy.

Chỉ riêng việc này thôi cũng đủ làm doanh nghiệp chạy "vắt giò lên cổ" nếu như không muốn đưa sản phẩm mới NPK ra phục vụ kịp thời mùa vụ.

Còn theo quy định mới của Nghị định 108/NĐCP-2017 có hiệu lực từ 20/9/2017, tất cả các loại phân bón mới NPK (trộn, một hạt) đều phải đăng ký khảo nghiệm, khi khảo nghiệm "đạt yêu cầu" thì doanh nghiệp mới làm "đơn xin công nhận lưu hành sản phẩm" để được chuyển qua công bố hợp quy. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất phân NPK đã bị nhà quản lý siết "hai tròng", đó là vừa khảo nghiệm vừa công bố hợp quy.

Trong đó, quá trình khảo nghiệm cũng rất nhiêu khê, qua nhiều cấp "gật" và giấy phép "con". Đó là, trước hết phải lập đề cương đăng ký sản phẩm khảo nghiệm tại Cục BVTV, sau khi được Cục chấp nhận, doanh nghiệp mới được đi thuê đơn vị khảo nghiệm được Cục chỉ định.

Trong khi đó, theo quy định khảo nghiệm phân bón sử dụng trên cây ngắn ngày (lúa, bắp, ớt, đậu phộng...), cây dài ngày (cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả) rất lâu, ít nhất phải mất 1 năm trở lên nhưng lâu nay về thực chất cũng chỉ là hình thức. Chưa nói tới, một Cty sản xuất phân bón vừa và nhỏ (chiếm phần lớn hiện nay) có khoảng chục sản phẩm là mất cả tỷ đồng tiền khảo nghiệm.

Thực tế cho thấy, đã xảy ra hiện tượng tiêu cực do đánh giá kết quả khảo nghiệm thời gian qua không trung thực, bởi không có ai giám sát mà chỉ có nhân viên, cán bộ kỹ thuật của chính đơn vị khảo nghiệm đánh giá kết luận, chẳng khác chi “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Hiện nay, chúng ta đang sử dụng biện pháp hành chính để quản lý chất lượng phân bón thay vì để thị trường tự điều chỉnh và quyết định. Trong khi Chính phủ đang từng bước gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng qua việc khảo nghiệm phân bón thì lại vô hình chung "trói tay" doanh nghiệp.

Ông Trần Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP phân bón Hà Lan, cho biết, quy định khảo nghiệm phân NPK là rất không hợp lý. Bởi thật ra, NPK đã được thế giới công nhận được sử dụng trong nhiều năm qua nên không nhất thiết phải khảo nghiệm nữa.

Trong hội nghị góp ý dự thảo Nghị định quản lý phân bón mới ngày 5/5/2017 do Cục BVTV tổ chức tại TP.HCM, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phản ứng mạnh mẽ trước đề xuất đưa khảo nghiệm NPK vào Nghị định. "Việc khảo nghiệm là không có ý nghĩa và mất rất nhiều thời gian, chi phí xã hội, bởi suy cho cùng thì vai trò của phân tổng hợp NPK đối với cây trồng đã được khẳng định cả trăm năm nay", ông Dũng khẳng định.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm nghiên cứu và tư vấn NN nhiệt đới: Chỉ cần 100-150 loại phân bón là đủ

Hiện nay danh mục Phân bón được phép lưu hành đã lên tới hàng vạn, quá nhiều, không những với nông dân mà cả với nhà quản lý. Trong lúc nhu cầu cho sản xuất thì chỉ cần rất ít, quy trình kỹ thuật sản xuất cho một cây trồng nào đấy cũng chỉ bao gồm phân bón lót, bón thúc lần 1, thúc lần 2, thúc lần 3, bón sau thu hoạch, phân bón lá ứng với các thời kỳ sinh trưởng và phát triển trên. Bởi vậy thực tế chỉ cần khoảng 100 – 150 loại phân bón là đã đủ cho sản xuất.

Tại sao lại có quá nhiều loại? Vì chỉ một công thức mà có đến hàng trăm, ví dụ như NPK 16-16-8 thì nhà máy nào cũng làm, công ty nào cũng có. Nếu có một phép “quy đồng” thì ngay lập tức con số vạn trên sẽ giảm xuống con số trăm, người dùng cũng dễ mà người quản cũng đỡ nhức đầu, còn các công ty sản xuất lại càng hoan nghênh, vì sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có chính sách hậu mãi tốt chắc chắn được người dân ưu ái lựa chọn.

Nguồn: Nongnghiep.vn