Không để đứt gãy nguồn cung than cho sản xuất điện, phân bón trong mọi tình huống là chỉ đạo mới nhất của người đứng đầu ngành Công thương trong cuộc họp chiều 3/3/2023.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); các Tổng công ty: Phát điện 1, Phát điện 2, Phát điện 3-CTCP, Điện lực-TKV, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than về tình hình cấp than và nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm.
Báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), năm 2023 dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.
Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón-hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ xi măng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.
Đến nay, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã hoàn thành việc ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với các nhà máy điện, đạm.
Theo đó, TKV đã ký hợp đồng mua bán than cho 22 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng hoảng 38,52 triệu tấn, 2 nhà máy đạm với tổng khối lượng khoảng 1,59 triệu tấn. Tổng Công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng mua bán than năm 2023 với 10 nhà máy nhiệt điện với tổng khối lượng khoảng 7,64 triệu tấn.
Ước thực hiện 2 tháng đầu năm than thương phẩm sản xuất 8,34 triệu tấn, đạt 14,42% kế hoạch năm, than tiêu thụ khoảng 8,69 triệu tấn, đạt 15,25% kế hoạch năm. Trong đó than cấp cho điện khoảng 7,27 triệu tấn đạt 15,76% kế hoạch năm, than cấp cho phân bón-hóa chất khoảng 0,43 triệu tấn, đạt 17,2% kế hoạch năm.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong việc sản xuất, nhập khẩu và cung cấp than cho sản xuất điện, đạm, góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện và đạm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện và đạm năm 2023 cần thực hiện đồng loạt nhiều giài pháp.
"Trong mọi tình huống, các Tập đoàn (TKV, EVN, PVN), các Tổng công ty và chủ đầu tư các nhà máy điện, đạm phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ)", Bộ trưởng chỉ đạo.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến việc cung cấp than cho sản xuất điện, nắm chắc tình hình và kịp thời báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chủ động tìm kiếm đối tác, bạn hàng xuất khẩu than trên thế giới, nhất là với các nước mà Việt Nam là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do và các nước đã ký kết các văn bản hợp tác với các Bộ; Khẩn trương tổ chức nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Lào liên quan đến hoạt động thương mại than và khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam để bảo đảm tối ưu.
Bộ trưởng nhấn mạnh phương án chuẩn bị hệ thống kho cảng chứa than tại Việt Nam ở vị trí phù hợp (nhất là trên địa bàn các tỉnh/thành phố có đường biên giới giáp Lào) để có thể tiếp nhận hiệu quả than nhập khẩu từ Lào.
Đồng thời, các đơn vị thực hiện công tác nhập khẩu than cần chủ động xây dựng kế hoạch nhập khẩu than với lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nhập khẩu than cho sản xuất điện, đạm trong nước.
Riêng TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến than để sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các chủng loại than cho sản xuất điện. Rà soát hệ thống kho cảng tại khu vực miền Trung và miền Nam để nghiên cứu đề xuất xây dựng các phương án, kho trung chuyển dự trữ than bảo đảm cung cấp đủ và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.