Doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP trong nước tiếp tục lên tiếng kiến nghị việc không tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón DAP.
Áp thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón
Bộ Tài chính mới đây tiếp tục có công văn số 8437/BTC-CST xin ý kiến về một số nội dung tại dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu (lần 2).
Theo công văn này, đối với mặt hàng phân bón, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh thuế xuất khẩu như sau: “Đối với các mặt hàng phân bón (ure, phân lân, supe lân, DAP, MAP,....trừ mặt hàng phân bón NPK) quy định mức thuế xuất khẩu 5% là phù hợp. Riêng đối với phân bón NPK trong nước đã đáp ứng được như cầu và dư thừa nhiều phải xuất khẩu nên Bộ Tài chính quy định mức thuế xuất khẩu 0% để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, theo đó các loại phân khoáng có mã HS 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 (trừ 3105.10.20) có mức thuế xuất khẩu là 5%”.
Như vậy, theo như công văn này, nhóm sản phẩm phân bón như ure, phân lân, supe lân, DAP, MAP sẽ chịu mức thuế xuất khẩu 5%.
Kiến nghị không áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón DAP bởi 3 lý do
Ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinachem cho biết, nếu như áp mức thuế xuất khẩu phân bón 5% lên nhóm phân bón DAP thì những đơn vị đang sản xuất phân bón DAP trong nước sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn. Ông Bằng phân tích 3 lý do.
Một là, nếu tăng thuế suất để hạn chế xuất khẩu thì sản xuất kinh doanh của Công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là thua lỗ.
Cụ thể, từ khi đi vào sản xuất thương mại đến nay, Công ty đã mất nhiều năm và rất nhiều chi phí để xây dựng hệ thống đại lý các cấp. Đến nay hệ thống đại lý trong nước ổn định, đảm bảo phân phối phân bón DAP từ kho của nhà máy đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, do có áp lực cạnh tranh lớn nên hàng năm lượng tiêu thụ sản phẩm của Công ty ở thị trường trong nước cao nhất mới chỉ đạt 49% công suất thiết kế (năm 2016 đạt 108 ngàn tấn, năm 2017 đạt 153 ngàn tấn, năm 2018 đạt 147 ngàn tần, năm 2019 đạt 162 ngàn tấn, năm 2020 đạt 143 ngàn tấn và năm 2021 đạt 159 ngàn tấn, với tỷ lệ tương ứng là 33%, 47%, 45%, 49%, 43%, 48%). Phân bón có tính mùa vụ rất cao, trong những tháng không vào vụ thì nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Chính vì vậy, để duy trì ổn định sản xuất, hạn chế tồn kho cao và hạ giá thành sản phẩm, Công ty bắt buộc phải thực hiện xuất khẩu một phần sản phẩm sản xuất ra trong những khoảng thời gian này.
Điển hình như năm 2016, nhu cầu tiêu thụ và giá phân bón trong và ngoài nước giảm mạnh, dẫn đến xuất khẩu rất khó khăn, lượng xuất khẩu giảm chỉ bằng 67% lượng xuất khẩu trong giai đoạn bình thường, Công ty đã xuất hiện khoản lỗ 461 tỷ đồng. Năm 2019, lượng xuất khẩu cũng bị sụt giảm mạnh (chỉ đạt gần 17 ngàn tấn), Công ty cũng đã xuất hiện khoản lỗ trên 3 tỷ đồng. Nên nếu hạn chế xuất khẩu thì Công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì ổn định sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ đạt rất thấp, thậm chí có nguy cơ thua lỗ.
Mặt khác, ông Vũ Văn Bằng cũng cho rằng, do phân bón là mặt hàng đặc biệt có tính thời vụ nên giá cả có thể tăng, giảm trong thời gian ngắn. Vào thời điểm hiện tại giá phân bón trong và ngoài nước đang cao so với một vài năm trước đây nhưng tiềm ẩn sự đảo chiều nhanh chóng, tuỳ thuộc vào các yếu tố địa chính trị, giá dầu, nguồn cung từ các nước xuất khẩu lớn… Trong khi đó, việc thay đổi chính sách thuế xuất khẩu phù hợp với biến động thị trường là tương đối khó khăn, do cần phải có thời gian đánh giá các tác động. Vì vậy, khi nguồn cung tăng lên, áp lực cạnh tranh lớn thì Công ty sẽ gặp rất nhiều bất lợi.
Hai là, nếu hạn chế xuất khẩu phân bón DAP thì giá thành sản xuất sẽ tăng lên (tác động của Luật thuế số 71/2014/QH13), rất khó để giảm giá phân bón trong nước thậm chí giá có thể phải tăng thêm để bù đắp giá thành gia tăng.
Cụ thể, Luật thuế số 71/2014/QH13 chưa được sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào danh mục mặt hàng chịu thuế. Đồng nghĩa Công ty không được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào, mà phải tăng giá thành sản xuất. Hiện nay, Công ty thực hiện xuất khẩu thì sẽ được hoàn phần thuế GTGT đầu vào tương ứng với lượng xuất khẩu đó. Khoản hoàn thuế này được tính giảm trừ vào giá thành sản xuất trên từng đơn vị sản phẩm tiêu thụ. Trong trường hợp không xuất khẩu, chi phí thuế GTGT đầu vào chiếm khoảng 7,5% giá thành sản xuất. Nếu được xuất khẩu thì chi phí thuế GTGT đầu vào chiếm khoảng 5,1% giá thành sản xuất. Có nghĩa là, trong trường hợp không được xuất khẩu, giá thành sản xuất sẽ tăng thêm 2,4%. Chi phí tăng thêm này sẽ do doanh nghiệp sản xuất trong nước phải gánh chịu, cơ hội để giảm giá phân bón cho người tiêu dùng trong nước là rất khó khăn, thậm chí là doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp một phần giá thành tăng thêm.
Ba là, tình hình thế giới hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về khí đốt, nhất là sắp tới bước vào mùa đông. Các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu đã dừng sản xuất NH3 nên giá nguyên liệu cho sản xuất DAP sẽ tiếp tục tăng và có thể sẽ đứt gãy nguồn cung. Trong khi đó, đã bước vào mùa đông thì tiêu thụ phân bón trong nước hầu như không có hoặc nhu cầu rất thấp. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải thực hiện xuất khẩu để ổn định sản xuất và hỗ trợ cho phần nguyên liệu nhập khẩu giá cao. Việc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu phân bón như dự thảo của Bộ Tài chính sẽ cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
“Chính vì thế, trên cơ sở đánh giá tổng quan về tình hình phân bón và phân tích các tác động bất lợi, DAP-Vinachem đề nghị Hiệp hội phân bón Việt Nam xem xét, tổng hợp và đóng góp ý kiến với Bộ Tài chính giữ nguyên, không tăng thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu nhằm đảm bảo lợi ích của bà con nông dân và tính cạnh tranh cho các đơn vị sản xuất phân bón DAP trong nước”- ông Vũ Văn Bằng kiến nghị.