Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải cương quyết xử lý nghiêm tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng.
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh buôn bán phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật kém chất lượng.
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Cục QLTT tỉnh phát hiện, bắt giữ 2 xe ôtô vận chuyển 5.100 lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không rõ nguồn gốc. Các tài xế khai nhận, đã mua 5.100 lọ thuốc BVTV không rõ nguồn gốc này từ Bắc Giang về Thanh Hóa để bán cho các đại lý.
Trong tháng 9.2020, Đội QLTT số 4 chủ trì phối hợp với Công an thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) phát hiện và bắt giữ lô hàng thuốc BVTV do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, số lượng gồm: 109kg dạng bột và 20,84 lít dạng lỏng đang tập kết tại chợ văn hóa Bắc Hà, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Tại Đắk Lắk, Cục QLTT Đắk Lắk cũng đang tiếp tục xác minh, xử lý một doanh nghiệp kinh doanh phân bón kém chất lượng ở địa bàn TP.Buôn Ma Thuột.
Trước đó, qua công tác nắm bắt địa bàn, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu phân bón Minh Tân (tại Km 12, Quốc lộ 26, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn phân bón hết hạn sử dụng; nhiều tấn phân bón không ghi ngày sản xuất, nhãn mác; không đăng ký, thông báo địa điểm kinh doanh kho hàng trên với cơ quan chức năng; không gắn tên doanh nghiệp tại địa điểm kinh doanh (kho hàng nói trên).
Cũng tại Buôn Ma Thuột, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh Xuân Dung (289 Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột) kinh doanh thuốc BVTV kém chất lượng.
Trước đó tại Bình Phước, cơ quan chức năng cũng xử phạt hàng loạt cơ sở kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đối với cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Thành Nam (xã Đồng Tiến, Đồng Phú) lỗi vi phạm buôn bán hàng giả với sản phẩm phân bón gốc hỗn hợp NPK-ROCKET 20-20-15 (NSX: 30.8.2019, HSD: 30.8.2022) do Công ty TNHH Sản xuất Việt Áo sản xuất…
Không để vòi chặt vòi này lại mọc vòi khác
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc BVTV. Trong 5 năm gần đây, Hiệp hội phân bón Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về vấn nạn này, nhưng do lợi nhuận từ buôn bán phân bón, thuốc BVTV giả rất lớn, nên tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành tràn lan, nhất là ở vùng nông thôn.
Hiệp hội phân bón Việt Nam đã đưa ra con số giật mình: Trung bình mỗi năm, nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón với trên 1.000 cơ sở sản xuất, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng.
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ phân bón giả kém chất lượng. Qua các vụ buôn bán phân bón, thuốc BVTV trôi nổi, kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón thì có khoảng 31% số mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng...
Để làm giả các nhãn hiệu thuốc BVTV và bán trót lọt ra thị trường, các đối tượng đã mua thuốc BVTV loại rẻ tiền trên thị trường, sau đó, trộn thêm các hóa chất khác và dán nhãn các loại hóa chất BVTV có uy tín trên thị trường. Bằng hành vi này, nhiều đối tượng đã giàu lên nhanh chóng.
Theo Bộ NNPTNT, để nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý, Bộ NNPTNT đã chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.
Nguồn: Laodong.vn