Lãi suất hạ, chưa đủ cứu doanh nghiệp

10:18 SA @ Thứ Ba - 17 Tháng Tư, 2012
Song song với việc hạ lãi suất, cần có thêm các biện pháp kích thích sức mua, đồng thời, áp trần lãi suất cho vay. Đó là đề nghị của một số doanh nghiệp, chuyên gia.

Cần gói kích cầu

Đơn cử, Saigon Co.op có kế hoạch phát triển 100 siêu thị Co.opmart đến năm 2015, nhưng họ đã phải dừng các dự án tại những thị trường mà mức tăng doanh thu chưa chắc chắn, hoặc tạm dừng các dự án ở những nơi cần thời gian đầu tư dài hạn. Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nói: “Lãi suất hạ có thể giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi đi vay. Nhưng vấn đề quan trọng nhất, là nền tảng để ra quyết định lại nằm ở sức mua”. Cụ thể ở thời điểm hiện nay, khi sức mua đang giảm, thì dù lãi vay ngân hàng có ở mức hấp dẫn cũng phải cân nhắc.

Bà Đặng Quỳnh Đoan, tổng giám đốc công ty thời trang Việt Thy, chia sẻ: “Tôi mừng vì lãi suất giảm có thể giúp ổn định việc kinh doanh tốt hơn. Nhưng trong thời điểm này tôi không nghĩ đến việc vay thêm”.

Ông Nhân, bà Đoan đều cho rằng tính khả thi của mọi hoạt động đầu tư đều phải bắt nguồn từ khả năng tiêu thụ. “Doanh thu tăng tốt, thì dù vay lãi cao, thuê mặt bằng giá cao… doanh nghiệp vẫn làm, còn hàng không có người mua thì dù lãi suất còn 10 – 12%/năm vẫn lỗ”, bà Đoan chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc Thế Giới Di Động, nhận xét: “Lãi suất hiện nay đang hạ nhiều nhưng vẫn còn cao so với khả năng sinh lãi của doanh nghiệp. Lãi suất vay khoảng 1%/tháng mới hấp dẫn doanh nghiệp đi vay. Nhưng chuyện quan trọng là sức mua quá yếu. Có thể có không ít doanh nghiệp vay để phát triển hệ thống, năng lực sản xuất, chờ đợi cơ hội trong tương lai. Nhưng với chúng tôi, vay vốn lúc này là quá mạo hiểm”.

Theo một số doanh nghiệp, giải pháp kích cầu cho thị trường là điều cần thiết và cần làm ngay vào lúc này. Bởi lẽ, với tình hình 12.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong quý 1/2012, hàng chất đống trong kho, sức mua đang giảm xuống… thì càng sản xuất sẽ càng tồn kho nhiều hơn.

Cần thay đổi đối tượng cứu

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế thương mại, doanh nghiệp đình đốn, ngừng sản xuất, phá sản là bởi “thuốc” được đưa không đúng, nên không cứu được họ. “Phải cứu cho đúng, đó là những doanh nghiệp sản xuất. Trên danh nghĩa, xác định phải hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu… nhưng thực tế lại không đúng địa chỉ”, ông Nam nói. Chẳng hạn, hỗ trợ vốn cho tạm trữ lúa gạo, nhưng phần lớn người hưởng lợi là doanh nghiệp thu mua, người sản xuất có lợi rất ít.

Theo ông Nam, sự khó khăn và yếu kém của doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất đã kéo dài cả chục năm nay, và lạm phát kéo dài dẫn đến đình đốn. “Những năm trước, các doanh nghiệp ra đời nhanh, nhiều nhưng yếu, 80% vốn dựa vào ngân hàng. Và trong cả chục năm qua, doanh nghiệp sản xuất đã không nhận được sự hỗ trợ thích đáng. Họ vẫn phải tự vùng vẫy cho đến khi đuối sức”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, việc hạ lãi suất hiện nay mới cứu ngân hàng chứ chưa cứu được doanh nghiệp. “Thống đốc tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay còn 13 – 16%, nhưng gần như không có biện pháp gì cụ thể để bắt buộc ngân hàng thương mại thực hiện, để tình trạng lãi suất trần huy động hạ nhưng lãi suất cho vay vẫn cao ngất ngưởng”.

Ông Nam cho rằng, ngành ngân hàng đâu cần cứu khi vẫn có lợi nhuận cao trong năm 2011. Nhiều ngân hàng hiện nay, theo ông Nam, đang loay hoay đảo nợ, cố để giữ những tín dụng lớn của những doanh nghiệp lớn.

Việc nới tín dụng bất động sản cũng bị “lệch” nhất định. Theo các chuyên gia, người thụ hưởng chính sách cuối cùng là hệ thống ngân hàng, bởi hệ thống ngân hàng bị mắc kẹt vào những khoản nợ lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, cũng như 90% nợ xấu của ngân hàng đều nằm trong bất động sản. “Tôi chưa thấy ngân hàng nào công bố tổng kết ba tháng đã cho doanh nghiệp ngành nghề nào vay, lãi suất bao nhiêu”, ông Nam nói.

Về gói kích cầu như mong muốn của doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Phong, viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng Chính phủ không còn đủ lực và cũng không phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Theo ông, ngân hàng Nhà nước cần áp trần lãi suất cho vay thì mới giúp được doanh nghiệp. Áp trần huy động chỉ có ngân hàng là được lợi.

Nguồn: