Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như sức khỏe của nhân dân, tác động xấu đến môi trường, môi sinh.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do Báo Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Quỹ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức vào chiều 9/8, phần lớn các diễn giả đều khẳng định, thời gian qua, việc quản lý thị trường phân bón trong nước còn nhiều lỏng lẻo, bất cập khiến tình hình phân bón giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Phản ánh thực trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường, ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo về tình trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước.
Năm 2015 có trên 4.000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là trên 5.000 vụ vi phạm; trong đó, nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật còn nhiều kẽ hở.
Theo ông Thúy, điểm tồn tại lớn nhất hiện nay của tình trạng này, có lẽ chính là lợi ích nhóm. Nếu vi phạm phân bón giả mà chỉ phạt hành chính thì sẽ làm hỏng ngành phân bón Việt Nam. Do đó, cần thiết phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm tới từng cá nhân, cơ sở sản xuất hoặc đơn vị cấp phép.
Đánh giá những tác động tiêu cực của phân bón giả và kém chất lượng với sản xuất phân bón, ông Nghiêm Quang Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, tác động đầu tiên dễ thấy nhất là làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Thứ hai là ngoài hàm lượng dinh dưỡng, trong phân bón giả, kém chất lượng còn có các hợp chất độc hại mà cây trồng không thể hấp thu được, gây thoái hóa đất, ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng. Thứ ba là phân bón giả, kém chất lượng gây rối loạn thị trường tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bày tỏ những bức xúc của doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Supe phốt phát hóa chất Lâm Thao cho biết, vấn đề phân bón giả đã được nêu ra tại nhiều cuộc bàn thảo. Tuy nhiên, chưa giải quyết được triệt để.
Doanh nghiệp và bà con nông dân mong đợi tình trạng này sớm có biện pháp để chấm dứt; có cơ chế và chế tài để xử lý nghiêm minh. Bởi ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chất lượng nông sản của bà con nông dân.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chân chính đang e ngại nhất là phân bón nhái và kém chất lượng. Bởi hiện chưa có quy chuẩn để xác định những sản phẩm này, nhưng đơn vị sản xuất này vẫn được cấp phép sản xuất, hợp chuẩn, hợp quy. Chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện ra lệch quy chuẩn mà doanh nghiệp đăng ký và đó thực là điều nguy hiểm - ông Hồng nhấn mạnh.
Hàm lượng chất dinh dưỡng trong các sản phẩm phân bón hàng nhái này rất ít, các doanh nghiệp làm phân bón giả hoặc phân bón thật mà kém chất lượng còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, trong mẫu mã bao bì để lừa bịp người dân và cơ quan quản lý.
Chẳng hạn như sản phẩm phân NPK, có rất nhiều doanh nghiệp làm nhái và cho rằng đó chỉ là tên họ đăng ký với hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Khi bán ra thị trường, doanh nghiệp này lại bán sát giá với phân bón của những đơn vị sản xuất đúng chuẩn. Điều đó khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp này rất cao và cạnh tranh không lành mạnh về giá với các doanh nghiệp chân chính khác.
"Công ty Cổ phần Supe phốt phát hóa chất Lâm Thao là đơn vị sản xuất lớn và đã đi tới nhiều vùng miền. Chúng tôi thấy rằng, có những nơi dân trí thấp thì bị lừa rất nhiều. Người dân không đọc kỹ sẽ nhầm lẫn, hậu quả rất nghiêm trọng", ông Hồng nêu rõ.
Doanh nghiệp này mong muốn, phải có ngay bộ quy chuẩn để xác định rõ những phân bón nào là phân bón nhái và kém chất lượng. Bởi chừng nào còn chưa có, thì chừng đó các địa phương vẫn cấp phép tràn lan, sản phẩm nhái vẫn hoành hành.
Ông Hồng cũng kiến nghị thêm, do chưa có bảo hộ đăng ký nhãn hiệu bao bì độc quyền nên các doanh nghiệp nhái bao bì tương tự khiến người dân nhầm lẫn. Do đó, đề nghị các bộ ngành cần giám sát chặt chẽ việc sản xuất và quản lý tốt thị trường; "chậm ngày nào thì các đơn vị sản xuất như chúng tôi sẽ chịu thiệt hại ngày đó. Đồng thời, phải sớm có chế tài xử lý mạnh với các đơn vị sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng".
Thêm một ý kiến khác từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc, Công ty Công Nông nghiệp Tiến Nông cho rằng, ngành phân bón Việt Nam được giao phó 3 sứ mệnh quan trọng là phục vụ tốt cho hơn 10 triệu hecta đất nông nghiệp Việt Nam; nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam và tham gia thị trường phân bón quốc tế.
Với điều kiện nông hóa như ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón chỉ cần làm tốt ở thị trường trong nước là hoàn toàn có thể tham gia được thị trường quốc tế.
Điều đáng nói là hiện, cả nước chưa thể thống kê được có bao nhiêu doanh nghiệp và nhà máy sản xuất phân bón. Tình trạng phân bón giả đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp Việt Nam, gây thiệt hại cho người nông dân và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, khiến gia tăng sâu bệnh có hại.
Hơn nữa, do nhận thức kém lại ham rẻ nên người nông dân vừa khó phân biệt và thường bị các cơ sở sản xuất phân bón giả lừa. Điều này cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Do đó, theo quan điểm của doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành những công cụ để kiểm soát và thống kê xem có bao nhiêu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phân bón trên toàn thị trường Việt Nam; có bao nhiêu nhãn mác phân bón được sản xuất và lưu thông trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Mỗi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên chứ không phải như hiện nay, chỉ cần có 500 triệu đồng cũng có thể sản xuất được phân bón. Nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp lớn đang sản xuất phân bón.
Ông Phong cho rằng, cả nước chỉ cần 300 doanh nghiệp sản xuất phân bón là đủ. Như vậy các doanh nghiệp sẽ cùng nhau tận tâm phục vụ cho ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam.
Nguồn: Bnews.vn