Ngày 19/4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo Nghị định về quản lý phân bón.
Theo đó, dự thảo Nghị định về quản lý phân bón được xây dựng nhằm thay thế Nghị định 202/NĐ- CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; thay thế các quy định tại Chương IV của Nghị định số 77/2016/NĐ- CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (đơn vị đầu mối được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định) cho biết, dự thảo Nghị định sẽ quy định về quản lý phân bón, bao gồm việc đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất, đóng gói, buôn bán, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, sử dụng phân bón ở Việt Nam (trừ phân hữu cơ truyền thống) do các tổ chức, cá nhân sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại.
Nghị định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến phân bón tại Việt Nam, bảo đảm tính kế thừa, hạn chế những tồn tại, giải quyết những vướng mắc và đồng bộ với những quy định khác về quản lý phân bón tại Việt Nam, qua đó từng bước góp phần lập lại trật tự thị trường phân bón.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các điều khoản quy định trong dự thảo Nghị định lần này cần được xây dựng chặt chẽ để các DN sản xuất phân bón, cả vô cơ và hữu cơ phải tuân thủ theo đúng pháp luật, tránh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ồ ạt tiêu thụ trên thị trường như trong thời gian qua.
Ngoài ra, các quy định về điều kiện kinh doanh cũng phải được quy định cụ thể hơn, một mặt để nâng cao chất lượng phân bón, mặt khác cải thiện năng lực cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước, hướng đến xuất khẩu phân bón sang các thị trường phát triển.
Cụ thể, về điều kiện sản xuất, đóng gói, buôn bán phân bón, nhiều ý kiến của đại diện các DN cho rằng, các địa điểm, sản xuất, diện tích nhà xưởng phải phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón. Các tổ chức, cá nhân, DN sản xuất phân bón bắt buộc phải có phòng thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc phải có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc công nhận và đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phân tích theo quy định của pháp luật về chất lượng, hàng hóa để quản lý chất lượng sản phẩm.
Theo đó, đến hết tháng 6/2018, các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải có phòng thử nghiệm, phân tích được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng đối với phân bón do mình sản xuất.
Dự thảo Nghị định gồm 9 chương, 55 điều và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Nguồn: Baochinhphu.vn