Lo sản xuất gặp khó

02:41 CH @ Thứ Hai - 06 Tháng Hai, 2012
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2012, diễn ra tại Hà Nội chiều 4/2, một lần nữa quan ngại về khó khăn trong sản xuất - kinh doanh.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng, song hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo… vẫn đang rất khó.

Có hai nguyên nhân, đó là nhu cầu tiêu thụ giảm và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2012 ước giảm 12,9% so với tháng 12/2011 và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, công nghiệp chế biến giảm 4,2%; công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,5%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 1,2%. Tất nhiên, cũng do yếu tố nghỉ Tết kéo dài, nhưng điều đáng lưu tâm là, so với cùng kỳ năm trước, tháng 1/2012 là tháng đầu tiên có chỉ số IIP giảm trong vòng 7 tháng gần đây. Tính từ tháng 7 đến 12/2011, IIP tăng lần lượt là 9,6%; 5,8%; 12%; 5,3%; 8,1% và 7,5%.

“Tiêu thụ tăng chậm trong khi hàng tồn kho có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất và giảm hiệu quả đầu tư, kinh doanh”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trên thực tế, đây là điều không chỉ diễn ra trong tháng 1 vừa qua, mà đã kéo dài nhiều tháng gần đây. Kinh tế khó khăn, lạm phát cao khiến thu nhập thực tế của người dân giảm, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu. Tuy trong tháng 1/2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn ước đạt 191.100 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, song đây là một mức tăng không cao nếu đặt trong bối cảnh tháng này có tới 2 kỳ nghỉ Tết.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu loại trừ yếu tố giá, thì tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2012 chỉ tăng 4%, thấp hơn mức tăng 8,7% của tháng Tết năm trước. Nhiều tháng nay, loại trừ yếu tố giá cả, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ luôn chỉ xoay quanh ngưỡng 4%. Tháng Tết cũng không cao hơn. Điều đó cho thấy, sức mua của thị trường tăng thấp.

Vấn đề là, sức mua giảm, tiêu thụ thấp sẽ ảnh hưởng đến tồn kho của doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Theo số liệu thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1/2012 của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ; trong đó: xi măng, vôi, vữa tăng 72,7%; thuốc lá, thuốc lào tăng 54,8%; thức ăn gia súc tăng 36,5%…

Nguồn: