Số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Luật Thuế số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; trong đó quy định về việc phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thế giá trị gia tăng (GTGT). Quy định này được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ngành phân bón. Vấn đề này cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân.
"Gánh" hàng nghìn tỷ mỗi năm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009) quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 01/01/2015. Lý do không áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là nhằm giảm gánh nặng cho nông dân.
Tuy nhiên, trong những năm qua, quy định này dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Nguyên nhân là do quy định phân bón không chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị, …), kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.
Thông tin tại tọa đàm “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón” do Báo Công Thương tổ chức sáng nay 30/8, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, do tỷ trọng giá trị các mặt hàng phân bón chủ yếu tập trung trong nước, do đó, thuế VAT có ý nghĩa lớn đối với các đơn vị trong ngành. Ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh.
Bằng việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế VAT sẽ giúp đơn vị trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Và đặc biệt, quan trọng là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
Thực hiện Luật Thuế số 71, nhiều nghiệp phân bón trong nước đã “ngấm đòn” do tác động không mong muốn của Luật. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay, Luật Thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015, sau khi áp dụng, những tưởng sẽ hỗ trợ cho người nông dân nhưng thực tế, chúng tôi thấy có nhiều vướng mắc, như doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ đầu vào. Và từ năm 2015, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng đã có những kiến nghị lên các cơ quan quản lý. Giai đoạn hiện nay chúng ta cũng cần đẩy mạnh quan tâm, xem xét nhiều hơn các bất cập.
Trên thực tế, Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là doanh nghiệp sản xuất lớn, các chi phí, nhu cầu nguyên liệu đầu vào rất lớn nên doanh nghiệp cần đầu tư máy móc, thiết bị để tăng hiệu quả cho sản xuất, … vì thế nếu không được khấu trừ sẽ có những thiệt hại lớn.
"Trong suốt 7 năm qua, chúng tôi không được khấu trừ thuế đầu vào nên đã bị thiệt hại trung bình khoảng 100 tỷ đồng/năm. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6 - 7% và bắt buộc phải tính vào giá bán; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi có kiến nghị là cần thúc đẩy sửa Luật thuế này, làm sao để có mức áp thuế phân bón một cách hợp lý nhất, nên đưa về 4-5% để đảm bảo cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước", ông Vũ Xuân Hồng nói.
Với sự điều chính đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ duy trì sản xuất và chính người nông dân cũng được hưởng lợi; tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt là sẽ bình ổn được lượng cung cầu phân bón, tránh phụ thuộc và phân bón nhập khẩu từ nước ngoài.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất và người nông dân đang phải sử dụng vật tư đầu vào phân bón cao.
*Gỡ vướng về thuế
Sau nhiều năm thực hiện Luật Thuế số 71/2014/QH13, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp nhiều khó khăn và đã liên tục kiến nghị sửa đổi trong thời gian qua. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn ngành sản xuất phân bón trong nước, tạo sự công bằng giữa sản xuất nội địa và nhập khẩu, đảm bảo hài hòa giữa các lĩnh vực, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất GTGT đối với phân bón.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón; trong đó chính sách về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho hay, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ … Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ …
Về ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ thống nhất sự cần thiết thay đổi chính sách thuế GTGT của phân bón theo hướng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thay cho đối tượng không chịu thuế như quy định hiện hành. Tuy nhiên, thuế GTGT là sắc thuế gián thu và người tiêu dùng là người chịu thuế, do vậy khi thay đổi chính sách thuế đối với phân bón (chuyển sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất nhất định) thì sẽ tác động đến giá bán và người nông dân là đối tượng chịu tác động chính.
"Trước tình hình giá phân bón trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh trong hơn hai năm qua thì việc đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5% như dự kiến là tăng áp lực cho nông dân. Do đó, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật GTGT theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và không ảnh hưởng đến đời sống nông dân", ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Để không ảnh hưởng đến nông dân, ông Đạt cho rằng, về phía doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, cần phải tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm tối đa chi phí từ đó giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa cùng loại. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, khi Luật có hiệu lực thi hành thì Bộ Công Thương và các bộ có liên quan; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường quản lý giá phân bón không để giá phân bón tăng, góp phần chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước, không phụ thuộc nguồn nhập khẩu, khắc phục được việc giá cả biến động gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và người nông dân.
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Theo ông Phùng Hà, việc này sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm, đúng như mục tiêu của đề xuất của Bộ Tài chính. Thêm nữa, việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ góp phần giảm xuất khẩu phân bón, giữ lại nguồn phân bón cho nhu cầu sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, có thể tăng ngân sách từ nguồn phân bón xuất khẩu.
Tuy nhiên, với biến động về nguồn cung, về giá phân bón ở tầm quy mô toàn cầu như hiện nay, cần phải điều chỉnh linh hoạt, đúng thời điểm. Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã kiến nghị Bộ Tài chính cân nhắc đề xuất Chính phủ nên phân loại, áp dụng linh hoạt, tạm thời thuế xuất khẩu phân bón trong những thời điểm nhất định.
Mặt khác, Bộ Tài chính cần xem xét, đánh giá và đề xuất mức thuế xuất khẩu riêng biệt cho từng loại phân bón, áp dụng thuế xuất khẩu cho những loại nào mà trong nước sản xuất cung chưa đủ cầu. Phân bón vô cơ gồm nhiều chủng loại, mỗi loại có đặc điểm riêng về nguyên liệu, về thị trường, về cân đối cung cầu... nên cần có những đánh giá và áp dụng riêng thuế xuất với từng chủng loại./.