Mặt hàng phân bón: Bình ổn liệu có "ổn"?

09:47 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Tư, 2011

Mặc dù phân bón là một trong những mặt hàng thiết yếu nằm trong danh mục bình ổn giá nhưng để “ổn” được mặt hàng này vẫn là một bài toán khó.

Từ đầu năm đến nay, tình hình khan hiếm cũng như giá phân bón trên thế giới tăng khiến giá phân bón trong nước luôn có biến động và có chiều hướng tăng giá. Hiện tại giá phân bón ở mức cao: urê 9.000 - 10.500 đồng/kg, kali: 10.000 - 12.000 đồng/kg và DAP: 14.000 - 14.500 đồng/kg…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lượng phân bón sản xuất trong nước được khoảng 6,2 triệu tấn, trong khi mỗi năm phải nhập tới 2,6 triệu tấn phân bón các loại mới đáp ứng nhu cầu. Chính việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khiến cho việc dự báo thị trường rất khó khăn, bởi nguồn cung - cầu và giá phân bón trên thế giới luôn luôn biến động.

Mặc dù, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng phân bón, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường; đồng thời, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng đã có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng sản xuất phân bón kém chất lượng hoành hành. Lợi dụng giá phân bón liên tục biến động tăng cao, đánh vào tâm lý người trồng trọt, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đưa ra thị trường nhiều loại phân bón giả, kém chất lượng nhưng giá rẻ để tiêu thụ.

Trong khi đó, thực tế hiện nay mạng lưới cung ứng phân bón đến tay người nông dân còn chồng chéo, vòng vèo, chưa kiểm soát khiến chi phí lưu thông bị đẩy cao. Bên cạnh đó, cơ chế kinh doanh ngành hàng không minh bạch khiến thị trường cạnh tranh bị lũng đoạn và giá phân bón tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.

Để kiểm soát mặt hàng này, Chính phủ đã đưa phân bón vào danh mục các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá. Theo Cục Trồng trọt, hướng bình ổn sẽ là các doanh nghiệp cam kết mức giá bán chung hợp lý và ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón một cách tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực của hệ thống phân phối đảm bảo cho phân bón lưu thông thông suốt từ sản xuất, nhập khẩu tới tay người tiêu dùng, giảm bớt chi phí trung gian không cần thiết. Khuyến khích các doanh nghiệp và các địa phương thực hiện bình ổn giá thông qua các đợt bán hàng trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng với giá hợp lý.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp thì những động thái trên còn mang nặng tính hình thức. Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, để chủ động hơn trong việc kiểm soát biến động của giá cả bán lẻ phân bón trên thị trường, giải pháp bình ổn thông qua việc điều tiết cân đối cung - cầu hàng hóa là giải pháp tối ưu hơn những biện pháp khác. Theo đó, ngành nông nghiệp cần chủ động nguồn phân bón dự trữ để cung ứng cho thị trường mỗi khi có biến động lớn như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh làm chết cây trồng. Dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ bắt buộc. Các doanh nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, ưu tiên kho bãi hay tiếp cận nguồn cung ngoại tệ…

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khó có thể bình ổn được giá phân bón trong khi trong nước còn nhập khẩu khá lớn lượng phân bón. Chính vì vậy khả năng bình ổn thông qua cung cầu hay dự trữ cũng khó đạt được. Để bình ổn được giá phân bón, Nhà nước cần có những biện pháp tác động vào tổng cung - cầu hàng hàng hóa nhưng không vi phạm chủ thể kinh doanh là các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước cần điều tiết để tránh xảy ra mất cân đối cung - cầu trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm về gian lận thương mại; tăng cường đầu tư công nghệ góp phần tạo ra sản phẩm có tính năng sử dụng tối ưu, tiết kiệm chi phí cho người nông dân trong sản xuất.

Nguồn: