TBKTVN phỏng vấn ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương:
Để lập lại trật tự cho thị trường phân bón, các Bộ ngành liên quan đang soạn thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và dự kiến trình Chính phủ vào cuối quý I/2012. Đưa phân bón vào diện mặt hành kinh doanh có điều kiện là điểm đáng lưu ý nhất của Nghị định này.
Dư luận cho rằng thị trường phân bón thời gian qua thiếu minh bạch do sự cạnh tranh không lành mạnh và vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, nhập lậu. Ông có ý kiến gì?
Việc sản xuất, tiêu thụ phân bón kém chất lượng là vấn nạn từ lâu của ngành sản xuất phân bón. Không phụ thuộc vào sản lượng sản xuất trong nước, phân bón kém chất lượng thường xuất hiện khi cung không đáp ứng cầu. Nguyên nhân do lợi nhuận “đen”, do chế tài xử phạt chưa thật nghiêm còn quá nhẹ và cũng do việc cấp phép sản xuất, kinh doanh còn dễ dàng. Lực lượng thanh tra, kiểm tra cũng còn quá mỏng. Loại phân bón bị làm giả nhiều nhất là phân NPK, phân hữu cơ sinh học, các loại phân trộn thủ công...
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng việc bình ổn, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường phân bón sẽ diễn ra phức tạp giữa các nguồn cung như sản xuất trong nước với nguồn nguyên liệu từ than, từ khí, nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch. Phía Bộ Tài chính cho rằng sản xuất phân bón trong nước chưa được tính đúng, tính đủ nên gây khó khăn cho việc hạch toán, cân đối tài chính của các ngành khác. Giá phân bón sản xuất trong nước thường bán thấp hơn giá phân bón nhập khẩu, giá bán tại nhà máy cũng thấp nhưng mức giá này không đến được với nông dân do các khâu trung gian tự đẩy giá lên. Cuối năm 2011, Hiệp hội Phân bón đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; có lộ trình điều chỉnh giá một số nguyên liệu đầu vào như than, khí; thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất kinh doanh. Hiện các Bộ, ngành có liên quan đang nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội.
Là một đầu mối chủ trì soạn thảo Nghị định, ông có thể cho biết lộ trình đưa Nghị định vào cuộc sống hiện đã đến bước nào?
Như đã nói ở trên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón, liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón cần có những thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ NN-PTNT đang chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 113 và Nghị định 191 về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm kiện toàn việc quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Sau khi có ý kiến của các cơ quan quản lý, các DN sản xuất, kinh doanh phân bón, tổ soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa và đã hoàn thảnh Dự thảo lần thứ 7 của Nghị định nêu trên. Chúng tôi hy vọng Nghị định có thể trình Chính phủ vào cuối quý I/2012.
Những điểm đáng lưu ý nhất trong Nghị định là gì để có thể lập lại trật tự, minh bạch hóa thị trường phân bón, thưa ông?
Điểm quan trọng nhất của Nghị định là đưa sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, DN sản xuất phân bón trong nước phải có đủ điều kiện sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận hoặc Giấy phép đầu tư đối với các DN FDI có ngành nghề sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất các loại phân bón đăng ký do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của các tỉnh, TP cấp.
Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, DN cần có chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; có máy móc, thiết bị quy mô công nghiệp đạt tiêu chuẩn; có phòng kiểm nghiệm phân tích chất lượng cho từng lô sản phẩm hoặc có Hợp đồng phân tích còn hiệu lực với các phòng kiểm nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón được công nhận hoặc chỉ định; có trang thiết bị an toàn phòng, chống cháy nổ; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại; có diện tích hoặc có hợp đồng thuê kho chứa bảo quản phân bón phù hợp; có trong biên chế hoặc thuê đủ số lượng, chất lượng cán bộ kỹ thuật chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất phân bón; có quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất, quy trình phân tích kiểm tra chất lượng phù hợp với loại phân bón sản xuất.
Sắp tới, nguồn cung urê trong nước sẽ dư thừa và phải tìm đường xuất ngoại, theo ông các cơ quan chức năng cần lưu ý đến vấn đề gì để tránh trợ giá cho XK?
Dự kiến, sản lượng urê trong nước sẽ vượt 3 triệu tấn vào năm 2015trong khi nhu cầu urê cả nước trong những năm tới vẫn chỉ ở mức 2 triệu tấn/năm. Do đó, không phải chờ đến năm 2015 mà ngay từ cuối năm 2011, các DN sản xuất urê đã bắt đầu tìm kiếm thị trường XK theo hướng thử nghiệm để giảm bớt áp lực cạnh tranh trong nước và có đầu ra ổn định cho hoạt động sản xuất. Năm 2013, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu phân đạm urê và việc này sẽ không phải là nhất thời mà sẽ kéo dài trong nhiều năm tới. Vì thế việc tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất phân bón càng cần thiết.
Thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh với các quốc gia có truyền thống sản xuất phân urê. Cho nên các DN cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, giảm tiêu hao nguyên liệu, tiêu hao nhiên liệu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, xây dựng thương hiệu càng sớm càng tốt.