Muốn tăng cạnh tranh, phải loại bỏ độc quyền

11:09 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Mười Hai, 2010

Bộ Tài chính đang gấp rút trình Chính phủ Đề án điều hành giá theo cơ chế thị trường. Trong đó có việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ mà Nhà nước còn định giá như điện, than, nước sinh hoạt, thuốc chữa bệnh. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ áp dụng các công cụ linh hoạt như thuế, quỹ bình ổn và phí.

Theo dự kiến của Bộ Tài chính, nếu được chấp nhận, thì đề án sẽ được thực hiện ngay từ năm 2011. Thực tế, các “ông lớn” đã “đi tắt đón đầu” xu thế này, hiện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã có đề xuất tăng giá bán than cho 4 “hộ” tiêu thụ lớn là ngành điện, phân bón, xi măng và ngành giấy. Tất yếu, sự tăng giá của đầu vào sẽ kéo theo sự tăng giá của mặt hàng thành phẩm và tác động đến thị trường là không thể tránh khỏi. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình tăng giá bán điện vào năm 2011, trong đó đề xuất mức tăng đến 32%.

Nói như TS Nguyễn Quang A, muốn có cạnh tranh, không được để một doanh nghiệp độc quyền. Đối với xăng dầu, máu của nền kinh tế, “Petrolimex vẫn giữ khoảng 60% thị phần, như vậy tổng số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu có tăng lên đến 100 thì vẫn không có ý nghĩa”. Đối với điện, hiện nay EVN vẫn giữ khoảng 47% công suất nguồn cung điện, dự kiến đến năm 2015, tỷ lệ còn dưới 37%. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần vẫn là độc quyền. Như vậy, mỗi động thái của các “ông lớn” đều khiến thị trường chạy theo định hướng giá của họ, mức tăng vẫn do doanh nghiệp nắm giữ thị phần chi phối đề xuất.

Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là xu thế tất yếu mà nền kinh tế nước ta hướng đến. Tuy nhiên, có 3 thông số cần lưu ý, muốn có cơ chế thị trường phải tăng cường tính cạnh tranh, công bằng các chỉ số cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Muốn tăng cạnh tranh, phải loại bỏ độc quyền. Doanh nghiệp nào tạo được giá trị nhiều hơn cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp đó được lợi về thị phần. Đây cũng là điều người dân mong đợi từ đề án lớn của Bộ Tài chính đang trình Chính phủ.

Nguồn: