- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong danh mục này quy tụ nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn như: Vinacomin, Agribank, Mobifone, Vicem, Vinachem, Satra, Saigontourist, VNPT.
Hàng loạt “ông lớn” phải cổ phần hóa
Theo danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ trở lên tại 4 doanh nghiệp, nắm giữ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 62 doanh nghiệp và nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần tại 27 doanh nghiệp.
Địa phương có số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nhiều nhất là TP.HCM với 38 doanh nghiệp. Xếp sau là Hà Nội với 13 doanh nghiệp, Hải Phòng có 3 doanh nghiệp...
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (6 doanh nghiệp), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (3), Bộ Công thương (2), Bộ Xây dựng (2), Bộ Y tế (2), Bộ Khoa học và Công nghệ (1), Ngân hàng Nhà nước (1), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1), Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (2) đều có doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.
Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại 4 doanh nghiệp, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 2) và Công ty TNHH Nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên - Huế (Humexco).
Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 62 doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp trực thuộc bộ, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có: Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội nằm trong diện này, gồm: Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico), Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)...
Tại TP.HCM có: Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn (SCPC), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...
Có 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước chỉ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ như: Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tổng công ty Công nghiệp In Bao bì Liksin, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2).
Phải báo cáo tiến độ cổ phần hóa hàng quý
Để thực hiện danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch; xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định.
Báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; những trường hợp đặc thù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành và các trường hợp đặc thù khác.
Đồng thời báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định đối với trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.
Định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020 báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiệp sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi cả nước đến năm 2020 và đề xuất phương án sắp xếp doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.