Năm giải pháp bình ổn thị trường phân bón

03:25 CH @ Thứ Hai - 09 Tháng Năm, 2011

Bài "Thảm họa thiên tai hay chiến tranh mới phải trữ phân bón" nêu ý kiến về việc nên hay không việc thực hiện đưa phân bón vào mặt hàng bắt buộc dự trữ, lưu thông. Tiếp tục chủ đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký kiêm Hiệp hội Phân bón VN đã có bài viết gửi NNVN, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Những cơn sốt lịch sử

Năm 1991 đến 1995 tức chỉ trong vòng 5 năm nước ta đã xảy ra 4 lần sốt nóng và 3 lần sốt lạnh phân bón. Cụ thể: Cuối năm 1993 thực hiện cơ chế thị trường, bỏ quota, mọi thành phần kinh tế được kinh doanh NK phân bón một cách bình đẳng. Thế là chỉ trong thời gian rất ngắn, đã có hàng trăm DN đua nhau NK phân bón chủ yếu là ure về khiến lượng tồn kho quá lớn. Có đơn vị tàu còn trên đường về cảng thì bất ngờ giá phân bón thế giới hạ đột biến (từ 125-130 USD/tấn, tụt xuống còn 105-110 USD/tấn), cộng với sức ép lãi suất ngân hàng chồng chất, buộc các DN phải bán đổ bán tháo để thu vốn, có đơn vị lỗ đến 30-35 tỷ đồng.

10 năm sau bài học "nhà nhà nhập phân bón" thì đầu năm 2003, liên quan đến sự kiện chiến tranh I-rắc, một số người có tâm lý sợ biến động bất ổn ở khu vực Trung Đông sẽ kéo dài dẫn đến thiếu phân bón (ure), các Bộ, ngành lập tức trình Thủ tướng đề xuất mua 200-300 ngàn tấn ure dự trữ. Thủ tướng sau đó đã có quyết định đồng ý cho phép NK số phân này.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có ý kiến trên một số tờ báo trong đó có Báo NNVN về việc không dự trữ phân bón. Với lý do là phân bón tồn kho trong nước lúc đó đủ phục vụ vụ HT và còn có thể gối vụ cho vụ mùa; vả lại đến lúc đó mới dự trữ phân bón vì lý do chiến tranh I-rắc thì quá muộn màng. Thủ tướng đã xem xét và rút xuống, chỉ cho mua 100 nghìn tấn ure dự trữ, giao cho TCty Vật tư Nông nghiệp và một số DN thực hiện.

Quả nhiên chiến tranh I-rắc kết thúc nhanh, giá phân bón thế giới hạ xuống chóng mặt từ 20-25 USD/tấn. Lúc bấy giờ giá phân bón trong nước còn rẻ hơn giá thế giới. Một lần nữa thị trường phân bón hỗn loạn với cơn sốt lạnh, số phân bón Nhà nước mua dự trữ 100.000 tấn bị lỗ 65-70 tỷ đồng.

Sở dĩ có những cơn sốt lạnh, sốt nóng trên là do lúc bấy giờ ure sản xuất trong nước mới chiếm thị phần 7-8% do cả nước ta chỉ có mỗi NM Đạm Hà Bắc, Việt Nam hoàn toàn phải dựa vào ure nhập khẩu (trên 90%). Tuy nhiên, đến nay tình hình cung cầu đã có những thay đổi lớn. Cụ thể đến thời điểm này, sản xuất nội địa của chúng ta đã đáp ứng được 60% nhu cầu ure cho cả nước, trong đó: Đạm Hà Bắc sản xuất được 190.000 tấn, Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn/năm.

Chưa hết đến cuối năm 2011, trong bối cảnh cả nước vào vụ ĐX 2011-2012, phân ure Ninh Bình sẽ hoàn thành và ra lò 560.000 tấn, cộng thêm số lượng của 2 đơn vị nói trên sẽ đạt 1.550.000 tấn ure hạt trong (prilled), đủ khả năng đáp ứng gần 90% nhu cầu. Tiếp đó, đầu năm 2012 dự kiến ure hạt đục (granullar) của Cà Mau ra lò khoảng 800.000 tấn/năm. Yêu cầu ure hạt đục cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là để phối trộn làm phân hỗn hợp (NPK) với nhu cầu 500- 600.000 tấn/năm.

Thời gian tới nông dân cần được tiếp thị tốt hơn về thói quen sử dụng phân ure hạt đục bón thẳng xuống đồng ruộng (việc này đã làm ở nhiều nước như Brazin, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Thái Lan…) thì lúc đó, ure sản xuất trong nước của Việt Nam không những đủ mà còn thừa để xuất khẩu. Còn các loại phân khác như NPK, phân hữu cơ, phân vi sinh, phân lân…hiện nay chúng ta chưa sử dụng hết công suất các NM sản xuất ra.

Bình ổn cách nào cho hiệu quả?

Nước ta thời điểm này chưa có thảm họa thiên tai hay chiến tranh nên không cần dự trữ phân bón bắt buộc. Nếu vì vấn đề bức xúc nào khác cần dự trữ phân bón thì đề nghị giao cho đơn vị nhà nước thực hiện như TCty Phân bón và Hóa chất dầu khí, Cty Phân đạm Ninh Bình, Cty Phân đạm Hà Bắc nhưng phải có cơ chế về tài chính thuận lợi, tránh rủi ro để động viên các đơn vị thực hiện.

Tóm lại những cơn sốt phân bón ở Việt Nam từ trước 1990 đến nay chủ yếu sốt nóng, lạnh phân ure, thỉnh thoảng có sốt kali chứ các loại phân bón khác rất ít khi thiếu hoặc dư thừa lớn. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, bình ổn thị trường phân bón không có nghĩa là giá phân bón không tăng, giá phân bón không hạ hoặc bán một giá và phải dự trữ một số lượng phân bón bắt buộc. Để bình ổn giá phân bón một cách hiệu quả nên tập trung vào 5 vấn đề:

- Một là, phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu phải đáp ứng nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp (cung cầu hợp lý) cho các vụ mùa trong năm, không để thiếu, không để ứ đọng tồn kho, như cuối năm 2009 cả nước thừa gần 1.500.000 tấn làm cho các DN rất khó khăn.

- Hai là, về giá bán, các nhà sản xuất và NK phân bón phối hợp đưa ra mức giá hợp lý (tính cả cước vận chuyển) sát với giá thị trường, cân đối không để thiếu thừa trong từng vùng, bởi nếu thiếu thì dễ sinh ra độc quyền, ép giá, nếu thừa thì dễ bán loạn giá, phá giá…

- Ba là, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có công văn số 119/CV-2011 ngày 18/3/2011 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan yêu cầu DN không bán giá ure sản xuất trong nước rẻ hơn giá NK từ 10-15%. Đặc biệt phân ure sản xuất trong nước khi bán ra lô hàng lớn cần được tổ chức đấu thầu. Đấu thầu là một yếu tố góp phần bình ổn thị trường. Việc làm này còn động viên được các nhà NK yên tâm và ngân hàng cũng tự tin cho các DN NK phân bón vay đủ ngoại tệ để NK theo kế hoạch, điều đó tự nhiên góp phần quan trọng làm cho đủ phân bón bình ổn thị trường.

- Bốn là, về hệ thống tổ chức cung ứng tiếp thị, cần giảm bớt cầu cấp trung gian, phải có nhiều kho bãi trung chuyển phân bón hợp lý. Bản chất hệ thống cung ứng hiện nay là: TCty hay nhà máy bán xuống công ty con, công ty con bán xuống công ty cấp I, công ty cấp II, đại lý cấp I, đại lý cấp II, đại lý cấp III hoặc cửa hàng. Bởi quá nhiều cầu cấp, mỗi cầu, cấp hưởng một ít lợi nhuận, đặc biệt cùng một loại phân bón mà ure Hà Bắc đưa vào Nam, ure Phú Mỹ đưa ra Bắc, phân NPK Bình Điền đưa ra Bắc, phân NPK Lâm Thao đưa vào Nam… khiến phân bón đến tay nông dân thì giá đội lên nhiều nấc. Trước đây TCPhân bón và Hóa chất dầu khi bán phân ure sản xuất trong nước cho nông dân rẻ hơn phân NK từ 10-15%, nhưng khi phân bón Phú Mỹ đến được tay nông dân thường đắt hơn giá phân bón khác.

- Năm là, Chính phủ sớm có chính sách khuyến khích các DN sản xuất XK các loại phân NPK, phân hữu cơ, phân vi sinh, các loại phân lân và phân ure hạt đục (granullar). Đến năm 2014- 2015 nước ta tiến tới XK ure hạt trong (prilled).

Làm được tốt các nội dung trên sẽ góp phần bình ổn thị trường, nông dân mới có cơ hội mua được phân bón với giá hợp lý. Mặt khác, thị trường cũng sẽ tự điều tiết bình ổn dưới tác động của các chính sách thuế, chính sách thích ứng khác của nhà nước cho mỗi thời kỳ. Vì vậy, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị không nên dự trữ phân bón bắt buộc, đại trà.

Nguồn: