Việc chuyển phân bón từ diện mặt hàng không chịu thuế sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng là cấp thiết trong lúc này. Tuy nhiên, phương án chịu thuế 0% hay 5% rất cần được cân nhắc kỹ, khi mà nông dân đang là người "gồng gánh" giá phân bón vì thuế bất hợp lý.
Ông Hạnh, một nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành (Long An) cho biết, vì trồng thanh long để xuất khẩu vào các thị trường khó tính nên rất chú trọng đến khâu phân bón. Mỗi năm, ông phải chi khoảng 250 triệu đồng tiền phân bón cho diện tích 2ha trồng thanh long công nghệ cao.
Nông dân đang chịu thiệt
Tuy nhiên, điều mà ông Hạnh băn khoăn là giá phân bón chỉ thấy tăng chứ không giảm. Tìm hiểu trên báo chí, ông biết rằng nếu Nhà nước áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì giá mặt hàng phân bón mới có thể giảm. Còn hiện tại, ông và các nông dân khác vẫn đang phải gồng gánh giá phân bón vì thuế bất hợp lý.
Các nghiên cứu cho thấy, mỗi năm có khoảng 11 triệu tấn phân bón được sử dụng ở Việt Nam, trong đó khoảng 80% do các nhà máy trong nước cung cấp.
Khoảng 2/3 trong số đó được dùng cho lúa; số lượng lớn phân bón khác (5-10% tổng số) dành cho ngô, cà phê, cao su, các loại cây ăn trái...
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, phân bón là khoản chi phí lớn nhất trong tổng chi phí cho các loại cây trồng này ở Việt Nam. Việc sử dụng phân bón có xu thế tăng trong thập kỷ 1990 và chững lại đầu thập kỷ 2000. Tuy nhiên, với 180 kg/ha, mức độ sử dụng phân bón tại Việt Nam cao hơn 30% - 200% so với các nước Đông Nam Á khác.
Nhiều năm nay, như phản ánh từ người nông dân, giá phân bón chỉ thấy tăng mà không thấy giảm, dù nhu cầu có những thời điểm không quá lớn. Và nếu mức thuế cho phân bón không hợp lý để cho mặt hàng này duy trì ở mức giá cao thì người nông dân sẽ mãi chịu thiệt.
Cuối tuần qua, khi góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý là Dự thảo mới chỉ đề xuất phương án phân bón chịu thuế GTGT 5%.
Theo VCCI, trong quy định hiện hành, phân bón thuộc diện mặt hàng không chịu thuế, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước phải chịu thuế GTGT đầu vào nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu ra.
“Trong khi phân bón nhập khẩu lại không phải chịu thuế GTGT, từ đó gây bất lợi cho ngành sản xuất trong nước. Do vậy, việc chuyển phân bón từ diện mặt hàng không chịu thuế sang mặt hàng chịu thuế 0% hoặc 5% là cần thiết”, VCCI khẳng định.
Tuy nhiên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu cả phương án phân bón thuộc diện chịu thuế GTGT 0%, trong đó bao gồm đánh giá tác động lên ngân sách, người tiêu dùng và sự phát triển của ngành, và có so sánh với phương án thuế GTGT 5% để trình Quốc hội quyết định.
Cần cân nhắc kỹ
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, lãnh đạo một DN trong nước chuyên sản xuất phân đạm cho biết, trong cơ cấu giá thành của công ty thì thuế GTGT không được khấu trừ ước tính 300 - 400 tỷ đồng/năm. Nếu áp mức thuế GTGT đầu ra là 5% sẽ tiết giảm chi phí được khoảng 160 tỷ đồng/năm. Còn nếu áp dụng thuế suất GTGT đầu ra 0%, công ty sẽ giảm được chi phí đầu vào từ 300 - 400 tỷ đồng/năm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 0% hay 5% thì phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý.
Các DN thuộc phân khúc Urê sẽ được hưởng lợi lớn nhất, sau đó là phân lân. Hầu hết các DN NPK sẽ không được hưởng lợi do nguyên liệu đầu vào là phân đơn, có mức thuế suất GTGT bằng phân NPK đầu ra.
Tuy nhiên, các DN phân bón trong nước vẫn nghiêng về phương án áp dụng mức thuế suất GTGT 0% thay vì mức 5% như trong dự thảo mới nhất.
Bởi lẽ, khi đưa phân bón vào đối tượng chịu GTGT với mức thuế 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT (bằng 0). Nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra DN nộp cho Nhà nước là 0 đồng và DN được hoàn thuế GTGT đầu vào. Điều này làm giảm giá thành sản xuất, cũng như tạo cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân.
Trước đây, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đề xuất, cần xem xem xét chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 0%.
Lý do là nếu áp thuế GTGT cho phân bón là 5% có thể đem lại một khoản thu nhất định cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc này có thể tác động tiêu cực đến ngành sản xuất phân bón nội địa cũng như thị trường phân bón trong nước và người tiêu dùng cuối cùng là nông dân vẫn phải chịu chi phí cao do thuế suất này khi mua phân bón.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, nếu khăng khăng với phương án thuế suất GTGT 5% như Dự thảo thì DN phân bón và nông dân sẽ không thấy được sự chia sẻ và hỗ trợ của Nhà nước về mặt thể chế, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay từ tác động của dịch Covid-19.
Ngành phân bón Việt Nam là ngành đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Vì thế, việc áp dụng mức thuế suất GTGT 5% hay 0% vẫn rất cần cân nhắc kỹ nhămd vừa bình ổn thị trường vừa hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận nguồn phân bón giá hợp lý để giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường quốc tế.
Nguồn: Thoibaokinhdoanh.vn