Tham dự hội nghị góp ý dự thảo Nghị định về quản lí phân bón khu vực phía Bắc tổ chức ngày 19/4 tại Hà Nội, rất nhiều đại biểu cùng đề nghị loại bỏ phân bón khác và chất cải tạo đất ra khỏi diện quản lí của phân bón.
Phân bón khác là phân bón gì?
Sau khi nghe ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) tóm tắt sơ bộ dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón, đa phần các đại biểu tham dự đều nhất trí những nội dung, bộ khung cơ bản về cách thức, trình tự quản lí, phân cấp, khảo kiểm nghiệm, thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Có một điểm chung của các đại biểu ở lần góp ý này, là họ đều đề nghị bỏ quy định phân bón khác cũng như bỏ chức năng cải tạo đất của phân bón, bởi thực tế nhóm sản phẩm này đóng góp cho nền nông nghiệp cũng như trong tổng thể sản lượng ngành phân bón không đáng bao nhiêu, nhưng hệ lụy để lại rất lớn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy đặt câu hỏi: “Phân bón khác là phân bón gì, trong khi chiếm đến trên 90% hiện nay trên thị trường là phân hóa học, phân vô cơ (phân đa lượng, NPK), một phần nhỏ nữa là phân hữu cơ, phân vi sinh, vậy phân bón khác thuộc nhóm nào, đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà được bao nhiêu?”.
Cũng theo ông Nguyễn Hạc Thúy, trong định nghĩa về phân bón chỉ quy định là chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, không nên “thòng” thêm câu có chức năng cải tạo đất vào đó, bởi chỉ có phân hữu cơ truyền thống và một số loại phân khoáng đặc biệt khác mới có chức năng cải tạo đất, nhưng đấy chỉ là chức năng phụ, chức năng chính vẫn là cung cấp dinh dưỡng, còn phân hóa học không thể có chức năng cải tạo đất được nên tốt nhất không quy định cho đỡ phức tạp.
Nhập nhèm giữa phân bón và chất cải tạo đất
Đồng tình quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, ông Văn Hồng Sơn cho biết, chính bởi quy định phân bón khác cũng như đưa chất cải tạo đất thành phân bón ở Nghị định 202 trước đây mà hiện nay trên thị trường tràn ngập các sản phẩm đá vôi, vôi tôi, dolomit, cao lanh, đất sét… nhưng nghiễm nhiên ghi nhập nhèm giữa phân lân và phân trung vi lượng, trong khi hầu hết chất lượng rất kém, hàm lượng dinh dưỡng thấp, thậm chí gần như không có. Từ đó, gây thiệt hại lớn cho nông dân và khó khăn cho công tác thanh kiểm tra xử lí của lực lượng chức năng.
Không những làm loạn thị trường, theo lãnh đạo Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, các sản phẩm gọi là phân trung, vi lượng, phân bón khác, song thực chất chỉ là vôi tôi, đá vôi…, nhưng quảng cáo rất hoành tráng, bao bì đẹp, ghi nhãn mác toàn công dụng như “thần dược” cho cây trồng. Vì vậy, vị này đề nghị trong nghị định mới cần quản lí thật chặt việc quảng cáo và ghi nhãn mác phân bón, tránh để doanh nghiệp ghi loạn lên như hiện nay.
Bổ sung thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng cho biết, kinh nghiệm các nước họ không cấm sản xuất kinh doanh chất cải tạo đất, nhưng cần phân loại và quy định rõ đâu là phân bón, nhưng có thêm chức năng cải tạo đất, đâu là chất cải tạo đất đơn thuần và yêu cầu phải ghi nhãn mác rõ ràng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận và cảm ơn những đóng góp hết sức tâm huyết và ý nghĩa của các cơ quan chuyên môn, hiệp hội, doanh nghiệp và nhà khoa học.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, chắc chắn nghị định thay thế tới đây sẽ quy định, quản lí và kiểm soát rất chặt chẽ việc ghi nhãn mác, quảng cáo phân bón, không để tình trạng doanh nghiệp mỗi nơi mỗi kiểu tràn lan như hiện nay.
“Bên cạnh xiết chặt việc ghi nhãn mác và quảng cáo, dự thảo sửa đổi, thay thế Nghị định 202 quản lí chặt chẽ hơn điều kiện đăng ký sản xuất, chất lượng sản phẩm, điều kiện kinh doanh phân bón, chế tài xử phạt và phân cấp rõ ràng cho các địa phương, tất nhiên có sự liên kết chặt chẽ với trung ương theo hệ thống chứ không phải phân cấp để phủi trách nhiệm cho bên dưới”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Sau hội nghị ngày 19/4 tại Hà Nội, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) sẽ phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức thêm 2 hội nghị nữa, 1 tại miền Trung và 1 hội nghị ở phía Nam. Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có thể góp ý dự thảo qua đường công văn, email. Sau khi tập hợp và thống nhất trên cơ sở những ý kiến đóng góp đúng, phù hợp…, Bộ NN-PTNT sẽ trình dự thảo xin ý kiến các Bộ, ngành và trình Chính phủ trong tháng 6/2017.
Nguồn: nongnghiep.vn