Thực trạng phân bón giả phân bón nhái, phân bón kém chất lượng diễn ra trên thị trường hiện nay đang gây rất nhiều thiệt hại và bức xúc cho xã hội nói chung và ngành sản xuất nói riêng. Theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, phân bón NPK bị làm giả nhiều nhất. Công suất sản xuất phân NPK của cả nước là 5 triệu tấn nhưng lượng thật trên thị trường lên đến 25 triệu tấn.
Thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 đến 2,5 tỷ USD.
Nhìn nhận về những yếu điểm của ngành phân bón hiện nay, nhiều ý kiến quan ngại về thực trạng quy hoạch sản xuất phân bón còn nhiều bất cập, gia nhập ngành quá dễ dàng dẫn tới số lượng các nhà máy sản xuất phân bón rất lớn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 706 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động với tổng công suất hơn 28,5 triệu tấn, 20.000 đầu tên sản phẩm, trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần trên 11 triệu tấn các loại. Như vậy, dư thừa gấp 3 lần nhu cầu, chưa kể phân bón nhập khẩu. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý của Nhà nước.
Để thị trường phân bón được ổn định, hài hòa lợi tích giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng cần phải có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương, ngành nông nghiệp,… nhất là các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phép sản xuất, khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón. Đáng chú ý, phải xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.
Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác chống hàng giả nói chung và mặt hàng phân bón nói riêng. Đặc biệt là việc áp dụng mạnh các biện pháp xử lý hành chính, hình sự tạo sức răn đe tốt hơn.
Nguồn: daidoanket.vn