Theo “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”, đầu tư cho ngành phân bón được chia làm hai giai đoạn.
- Giai đoạn 1 từ 2011-2015: đây là thời điểm đầu tư mới nhiều công trình về đạm, ngoài các công trình đang được đầu tư xây dựng như dự án cải tạo và mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy đạm Ninh Bình đi vào hoạt động tháng 3/2012, nhà máy đạm Cà Mau cũng chính thức ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 1/2012, nhà máy DAP số tại Lào Cai, mở rộng nhà máy phân lân nung chảy Văn Điển lên 500.000 tấn/năm với nguyên liệu là than cám... Để đáp ứng nhu cầu về quặng cho các nhà máy sản xuất phân bón này, sẽ mở rộng thêm nhà máy tuyển quặng apatit loại III công suất 700.000 tấn/năm quặng tinh và nhà máy tuyển quặng II công suất 900.000 tấn/năm quặng tinh.
Giai đoạn 2 từ 2016-2020 sẽ chuyển sang đầu tư chiều sâu, chuyển dần các cơ sở sản xuất supe đơn sang sản xuất supe giàu dinh dưỡng, sản xuất phân NPK có hàm lượng dinh dưỡng khoảng 30-40% theo phương pháp hóa học. Sẽ đầu tư mới xây dựng nhà máy sunfat amoni công suất 400.000 tấn/năm…
Dự kiến nhu cầu tổng vốn đầu tư tính đến năm 2020 khoảng 17,5 tỷ USD, tương đương khoảng 360.637 tỷ VNĐ. Trong đó nguồn vốn vay tín dụng trong nước khoảng 2.626 triệu USD (15%), nguồn vốn liên doanh, liên kết với các đơn vị khác chiếm khoảng 20%, tương đương 4.501 triệu USD. Ngoài ra là nguồn vốn tích lũy của doanh nghiệp (chiếm khoảng 10%), vốn vay ưu đãi và FDI khoảng 55%.