Ngành phân bón trong nước... kêu cứu

09:07 SA @ Thứ Hai - 11 Tháng Sáu, 2012

Hầu hết các doanh nghiệp phân bón trong nước đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, sự biến động bất thường về giá cả sản phẩm cũng như giá nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, họ còn phải chịu nhiều thiệt hại do nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang hoành hành.

Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, những tháng gần đây, ảnh hưởng của sự tăng giá hàng hóa cùng với sự biến động tỷ giá đã tác động tới giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, đặc biệt các loại nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu như đậu tương nhập khẩu 100%, cám các loại nhập khẩu 60%, ngô 20%, chất bổ sung và chất phụ gia nhập khẩu 100%... Chi phí đầu vào tăng, tăng giá điện lũy kế, tăng mức lương tối thiểu, tăng giá than, tăng giá nước sạch, tăng giá cước giao thông, tăng giá xăng dầu… tất cả đội vào giá thành sản phẩm.

Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam ông Nguyễn Hạc Thúy cũng cho rằng, tâm lý rủi ro dịch bệnh gia súc, gia cầm rình rập, giá cả lên xuống thất thường, lạm phát chưa được ngăn chặn, năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao 18,13%... Những khó khăn trên gây rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi nội địa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp ngừng sản xuất, nhường thị phần cho doanh nghiệp FDI đầu tư phát triển.

Năm 2011, nước ta phải nhập khẩu 8,9 triệu tấn nguyên liệu, 62,2% khối lượng nguyên liệu sản xuất, trị giá khoảng 3,7 tỷ USD. Trong đó, có 3,8 triệu tấn nguyên liệu giàu năng lượng, 4,8 triệu tấn nguyên liệu giàu đạm, 289.000 tấn nguyên liệu thức ăn bổ sung, phụ gia khác. Nhìn chung, sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu. Tuy nhiên, trong thực tế quy hoạch sử dụng đất từ nay đến năm 2020 chưa được quan tâm và thực hiện bài bản, như đất đồng cỏ, đất trồng các thức ăn chăn nuôi… nên việc nhập nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là khó tránh khỏi.

Theo ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phân bón Việt Nam, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa Việt Nam so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thì doanh nghiệp Việt Nam khó khăn gấp bội. Tiếp đó là giá cả thế giới biến động theo chiều hướng giảm (trung bình giá giảm từ 50 -70USD/tấn), trong khi lượng tiêu dùng cũng có dấu hiệu giảm do thời tiết. Điều này, làm giá phân bón giảm mạnh, kéo theo nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đang phải chịu sự thua lỗ khá nặng do trước đó đã nhập khẩu lượng phân bón với giá cao, trong khi lượng phân bón tồn đọng là rất lớn, đã đẩy thị trường vào tình trạng cung vượt xa cầu.

Không chỉ bị thiệt hại về giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước còn phải chịu thiệt hại nặng nề về nạn hàng giả đang hoành hành thị trường. Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trung bình mỗi năm cả nước xử lý hơn 300 vụ vi phạm về chất lượng, nhãn hiệu. Đa số phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường là các loại NPK, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học,…vì các loại phân bón này có lượng tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, theo nhận định, hơn 300 vụ mỗi năm chỉ là con số "nổi” bởi việc phát hiện xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là việc rất khó.

Trước tình hình khó khăn trên, các doanh nghiệp cho rằng, chỉ một mình họ tự vực dậy để vươn lên là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan chức năng như hỗ trợ về vốn, tăng cường quản lý chặt chẽ đối với việc sản xuất và nhập khẩu phân bón, đặc biệt là phải xử lý nghiêm những ai vi phạm về chất lượng và mẫu mà để bảo vệ doanh nghiệp chân chính và lợi ích của người nông dân.

Nguồn: