Bã thải gyps là chất thải từ các nhà máy sản xuất phân bón DAP hiện đang là vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý.
Nỗ lực từ một doanh nghiệp
Công ty CP DAP – Vinachem là doanh nghiệp dẫn đầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trong việc sản xuất các sản phẩm phân bón DAP chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem Nguyễn Ngọc Sơn, từ khi công bố tấn sản phẩm đầu tiên (năm 2009) đến nay, Nhà máy DAP Vinachem Đình Vũ đã sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 3 triệu tấn phân bón DAP. Tuy nhiên, từ sản xuất cũng phát sinh hàng trăm nghìn tấn bã thải gyps mỗi năm.
Trong những năm qua, chất thải gyps của Công ty được chứa trên diện tích 13 ha bãi tạm thời và 12 ha bãi chứa lâu dài. Bãi chứa cũng ngày một đầy lên theo thời gian trông xa như những quả núi. Và điều đó cũng khiến nỗi lo về những nguy cơ môi trường phát sinh từ bãi thải này cũng tăng theo thời gian.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP Vinachem Hải Phòng Vũ Văn Bằng chia sẻ, cùng với nỗ lực vươn lên trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa lo duy trì sản xuất bảo đảm an toàn, bền vững.
Công ty đã hoàn trả cả gốc và lãi nợ vay, từng bước có lãi và đang tập trung cao trong việc tìm hướng cho việc xử lý chất thải của nhà máy, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa an toàn môi trường và đảm bảo chiến lược sản xuất kinh doanh lâu dài, hướng tới nền kinh tế xanh…
Năm 2010, Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ ra đời để giải quyết vấn đề bức bối này. Trong nhiều năm liền, doanh nghiệp này đã nỗ lực tìm tòi hình thành dây chuyền công nghệ sản xuất thạch cao từ bã thải gyps.
Quý 4/2017, Nhà máy thạch cao Đình Vũ chính thức đi vào hoạt động, công suất xử lý bã thải gyps 750.000 tấn/năm. Hiện nay, sản phẩm thạch cao chế biến từ bã thải gyps để làm phụ gia xi măng đã được 28 doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước tiêu thụ, từng bước thay thế thạch cao nhập khẩu từ nước ngoài.
Tiêu biểu như các công ty xi măng Cẩm Phả, Thăng Long, Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Long Sơn, Xuân Thành, Nghi Sơn, Hoàng Long, Hạ Long, Trung Sơn, Bỉm Sơn, Tam Điệp…
Từ đầu năm 2022 đến nay sản lượng chế biến và tiêu thụ thạch cao PG đến các nhà máy xi măng đã liên tục tăng mạnh, trung bình mỗi tháng tiêu thụ được trên 30.000 tấn. Lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ hiện cơ bản là cân bằng với lượng bã thải thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty DAP.
Với đà đó, Công ty CP Thạch cao Đình Vũ đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và công suất xử lý của nhà máy từ 750.000 tấn/năm lên 1,5 triệu tấn/năm.
Với công suất 1,5 triệu tấn/năm thì Nhà máy thạch cao Đình Vũ hoàn toàn đáp ứng xử lý hết khối lượng bã gyps hiện thải ra hàng năm của nhà máy DAP Đình Vũ và 1 phần bã thải gyps đã tồn trữ lâu năm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng bã thải tồn trữ này.
Thêm nhiều giải pháp khả thi
Mới đây, tại Hải Phòng đã diễn Hội thảo “Giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải gyps” do Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức đã mở ra một triển vọng khi các nhà khoa học khẳng định: Bã thải gyps không phải là chất thải nguy hại; tiềm năng sử dụng bã thải này để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; vật liệu san nền rất lớn.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện cả nước có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động.
Lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước bình quân khoảng 16 triệu tấn; lượng bã thải gyps khoảng 1,3 triệu tấn. Như vậy, việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải gyps đang là vấn đề cấp bách không chỉ của riêng Công ty DAP Đình Vũ mà trên phạm vị cả nước.
Đánh giá được tầm quan trọng của việc tái sử dụng các loại phế thải công nghiệp này, ngày 23/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Gần đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã vào cuộc, cùng các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu phương án xử lý bã thải gyps.
Bà Trịnh Thị Châm, Viện Vật liệu xây dựng sau khi có rất nhiều nghiên cứu liên quan tới xử lý bã thải gyps đã nhận định, bã thải gyps tại Việt Nam không phải là chất thải nguy hại, có thể được quản lý như chất thải thông thường. Tuy nhiên, khi sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng thì cần có thêm biện pháp xử lý, tái chế để đáp ứng các yêu cầu hiện hành.
Cũng theo bà Trịnh Thị Châm, tiềm năng sử dụng bã thải gyps trong các công trình giao thông và làm vật liệu san lấp còn rất lớn. Viện Vật liệu xây dựng đã có nhiều năm nghiên cứu và có các kết quả nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm hiện trường khả năng sử dụng gyps làm lớp móng cho công trình giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng.
Viện cũng đã xây dựng được dự thảo chỉ dẫn kỹ thuật về sử dụng gyps trong công trình giao thông và làm vật liệu san lấp. Do đó, Viện cũng như các doanh nghiệp phát thải gyps rất mong mỏi Bộ Xây dựng sớm xem xét và ban hành chỉ dẫn kỹ thuật này để thúc đẩy nhanh quá trình tái chế, tái sử dụng được một lượng lớn gyps đang tồn tại các bãi chứa.
Như vậy, việc xử lý, sử dụng bã thải gyps đang có những triển vọng rất lớn với nhiều nghiên cứu khả thi, nhu cầu sử dụng lớn; đã có sự gặp nhau giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với các doanh nghiệp phát thải nguồn bã gyps và các doanh nghiệp có thể sử dụng sản phẩm chế biến từ bã thải gyps trong sản xuất vật liệu xây dựng và làm vật liệu xây dựng.
Bã thải gyps của DAP Đình Vũ cũng như của các nhà máy sản xuất DAP khác sẽ chủ yếu được tái chế, sử dụng sản xuất thạch cao nhân tạo làm phụ gia trong sản xuất xi măng; làm lớp móng cho công trình giao thông và làm vật liệu san lấp cho công trình xây dựng.
Các nhu cầu này hiện rất lớn trên thực tế. Tuy nhiên, để đưa vào ứng dụng, cần có sự thẩm định, cho phép của các cơ quan quản lý. Hiện mới có cơ sở pháp lý để sử dụng gyps làm phụ gia cho sản xuất xi măng; làm tấm thạch cao thông thường, còn chỉ dẫn kỹ thuật để sử dụng gyps làm lớp móng cho công trình giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng chưa có, trong khi các nghiên cứu và thử nghiệm đã hoàn tất.