Theo nhận định của các cơ quan quản lý và DN, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn ra rất phổ biến với phương thức và thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và môi trường của sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại cho người nông dân và các DN làm ăn chân chính.
Vi phạm phổ biến
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, từ năm 2015 đến năm 2017, lực lượng QLTT đã phát hiện gần 10.000 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Trong đó năm 2015 là 4.000 vụ, năm 2016 là trên 5.000 vụ. Năm 2017 với sự vào cuộc của các bộ, ngành trong việc đưa ra các giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nên số vụ vi phạm đã giảm đáng kể, chỉ còn 771 vụ, giảm gần 8 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số rất lớn.
Thống kê của Cục QLTT tỉnh Long An cũng cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Long An đã phát hiện 60 trường hợp kinh doanh hàng hóa kém chất lượng trong đó chủ yếu là phân bón. Trong đó, riêng trong quý 3, lực lượng QLTT và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã kiểm tra phát hiện và xử lý 4 trường hợp kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng, 32 trường hợp kinh doanh phân bón chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Là DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm phân bón chứa lân có sản lượng lớn nhất cả nước, các sản phẩm của Công ty Phân bón Lâm Thao thường xuyên bị giả nhãn hiệu đưa ra thị trường tiêu thụ, trà trộn với sản phẩm chính hãng. Theo ông Phạm Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, không chỉ dùng đất sét và bột đá làm giả phân bón Lâm Thao, các đối tượng còn lấy vỏ bao bì của phân bón Lâm Thao đã sử dụng sau đó cho phân bón của các công ty không có thương hiệu có giá thấp vào bán lẻ cho người nông dân để thu lợi bất chính. Một số cơ sở phân bón làm mẫu mã, bao bì với kiểu dáng giống hệt bao bì của Công ty chỉ khác vài chi tiết nhỏ (logo và tên cơ sở sản xuất), đặt in giả bao bì phân bón Lâm Thao, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho biết, hiện nay các DN sản xuất phân bón uy tín lo ngại vấn đề phân bón nhái hơn là phân bón giả vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong sản phẩm phân bón nhái này rất ít. Các DN sản xuất phân bón nhái này còn nhập nhèm trong công bố hàm lượng, mẫu mã, bao bì để qua mặt người dân và cơ quan quản lý. Điển hình như đối với phân bón NPK, có rất nhiều DN làm nhái và cho rằng đó chỉ là tên họ đăng ký với hàm lượng dinh dưỡng thấp. Khi sản phẩm bán ra thị trường, các DN này bán sát giá với các sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín dẫn đến lợi nhuận của các DN này rất cao và cạnh tranh giá với các sản phẩm chính hãng. Với nhiều thủ đoạn, các DN làm nhái ưu đãi cao cho các đại lý để các đại lý hướng cho nông dân mua các sản phẩm này. Thậm chí có đại lý không nhập phân bón thật mà chỉ nhập hàng giả, hàng nhái về bán (!?).
Theo nhận định của các DN, thực trạng phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng đã và đang gây ra rất nhiều thiệt hại và bức xúc cho xã hội nói chung và ngành sản xuất phân bón, sản xuất nông nghiệp nói riêng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân, đến uy tín thương hiệu của nhà sản xuất chân chính gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng thiệt do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi nămViệt Nam đã mất đi từ 2 đến 2,5 tỷ USD do chất lượng dinh dưỡng thực tế có trong phân bón không tương xứng. Chưa kể đến những hậu quả không thể đo đếm được trong việc làm suy kiệt sức sống của cây trồng, đất đai dẫn đến giảm năng suất gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế, chất lượng nông sản và môi trường. Ngoài ra, phân bón giả, nhái, kém chất lượng còn làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính.
Còn nhiều bất cập
Theo ông Phạm Quang Tuyến, khó khăn của các DN sản xuất phân bón trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái hiện nay là việc nhận diện và sản xuất phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò. Các đối tượng thường đánh vào sự hám lợi của một số cửa hàng đại lý để tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng, thêm vào đó là tâm lý ham rẻ nên dễ mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng của người nông dân, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, việc quản lý nhà nước trong quy hoạch phân bón cũng còn lỏng lẻo. Hiện nay có tới 735 cơ sở sản xuất phân bón đăng ký công suất tới 29 triệu tấn/năm với 20.000 đầu tên sản phẩm phân bón trong khi nhu cầu thực tế của cả nước chỉ cần đến 11 triệu tấn phân bón các loại, dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng chưa kể đến số lượng phân bón NK. Việc có quá nhiều sản phẩm phân bón trên thị trường là một thách thức lớn cho các cơ quan quản lý và các DN, làm cho hệ thống phân phối phân bón phải đối phó với việc làm giả nhãn mác.
Bên cạnh đó, từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục QLTT tỉnh Long An cũng cho rằng còn nhiều bất cập trong các quy định đối với hoạt động quản lý thị trường phân bón khiến cho quá trình kiểm tra kiểm soát của lực lượng chức năng còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, như thời gian gửi thử nghiệm mẫu phân bón đến khi có kết quả kéo dài từ 1-2 tuần. Nếu phát hiện mẫu phân bón giả, kém chất lượng thì trong thời gian này cơ sở đã bán hết số lượng phân bón vi phạm. Các đơn vị được chỉ định thử nghiệm chất lượng phân bón không được giao chỉ tiêu thử nghiệm chỉ tiêu k2 Oht (ht: hòa tan). Do đó, việc kiểm tra đối với chỉ tiêu k2 Oht của đơn vị chức năng địa phương gặp khó khăn và lúng túng trong việc xử lý. Phương pháp thử xác định chỉ tiêu chất lượng của phân bón và hàm lượng được chấp nhận giữa kết quả thử nghiệm so với hàm lượng đăng ký theo quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 chưa rõ ràng, cụ thể. Việc áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ giữa các cơ quan chưa có sự thống nhất...
Nhằm tăng cường quản lý thị trường phân bón, theo ý kiến của các DN và các cơ quan quản lý Nhà nước, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về phân bón giả, nhái, kém chất lượng, các DN sản xuất phân bón cũng cần phải chủ động bảo vệ mình thông qua các biện pháp cụ thể để tạo sự khác biệt cho sản phẩm, liên kết chặt chẽ với các đại lý phân phối, cơ quan chức năng để phát hiện vi phạm. Cùng với đó, cần bổ sung sửa đổi các quy định pháp luật, chế tài xử lý vi phạm và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng nhằm siết chặt quản lý đối với thị trường phân bón.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam
"Với nhiều thủ đoạn, các DN làm nhái ưu đãi cao cho các đại lý để các đại lý hướng cho nông dân mua các sản phẩm này. Thậm chí có đại lý không nhập phân bón thật mà chỉ nhập hàng giả, hàng nhái về bán".
Nguồn: Hải quan online