Qua đợt “tổng kiểm tra” mặt hàng phân bón trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm và kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập cần kịp thời tháo gỡ.
Nhiều vi phạm
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón (vô cơ, hữu cơ và phân bón khác), 122 cơ sở đặt trụ sở văn phòng (sản xuất, kinh doanh nơi khác) tại huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9, Bình Tân. Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 81 vụ, trong đó phát hiện 62 vụ vi phạm gồm: 11 vụ không có giấy phép sản xuất, 3 vụ hàng hóa giả mạo, 7 vụ hàng hóa nhập lậu, còn lại vi phạm về nhãn hàng hóa, về điều kiện sản xuất, kinh doanh. Các vụ vi phạm nêu trên đều bị xử phạt hành chính (gần 620 triệu đồng), một vụ chuyển cơ quan điều tra là hàng hóa giả mạo nguồn gốc xuất xứ (in mã vạch quốc gia của Trung Quốc trên bao bì hàng hóa), tang vật tạm giữ hơn 6 nghìn gói phân bón hữu cơ hiệu Redsun, loại 33ml/gói. Theo ông Huỳnh Ngọc Trung, cán bộ phòng Cảnh sát Kinh tế (PC 46), Công an TP Hồ Chí Minh, thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất hàng gian, hàng giả thì làm đến đâu tiêu thụ đến đó, không để tồn kho, không chỉ thành phẩm mà bao bì cũng trữ rất ít. Vì vậy, nếu tổ chức ra quân kiểm tra rầm rộ sẽ không có hiệu quả vì đối tượng đề phòng. Đó là lý do qua đợt kiểm tra chỉ phát hiện vi phạm hành chính, chưa có vụ nào khởi tố hình sự.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Chánh, qua kiểm tra tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón không tuân thủ pháp luật tại 34/34 cơ sở có liên quan, Đoàn Kiểm tra liên ngành (QLTT, công an, thanh tra nông nghiệp) đã phát hiện chín trường hợp không có giấy phép sản xuất phân bón, đoàn đã xử phạt hành chính theo quy định và yêu cầu cơ sở ngừng ngay hoạt động. Số cơ sở còn lại, hầu hết đều không tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất phân bón như: chưa bố trí nơi lưu trữ chất thải nguy hại, chưa có hợp đồng thu gom chất thải nguy hại, quá trình sản xuất còn gây mùi và bụi, xếp phân bón trực tiếp trên nền nhà xưởng (quy định phải có kệ), sản phẩm ghi nhãn không đúng nội dung bắt buộc, không đúng sự thật,… hiện các vụ việc đang được xác minh làm rõ để xử lý sau.
Khó kiểm soát chất lượng...
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng QLTT thành phố còn phát hiện một số cơ sở làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó, đang phát sinh nhiều bất cập. Theo quy định, người lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm phải có chứng chỉ đào tạo về lấy mẫu nhưng lực lượng QLTT, tuy được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát mặt hàng phân bón thì lại chưa có cán bộ nào có chứng chỉ lấy mẫu. Nếu không có chứng chỉ mà vẫn lấy mẫu thì có khả năng QLTT sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng và hủy bỏ kết quả lấy mẫu phân bón. Trước thực tế trên, đến đầu tháng 11-2016 thì cơ quan QLTT mới đăng ký chuẩn bị học về lấy mẫu phân bón(!).
Phó Đội trưởng Đội QLTT 4A, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón tại địa bàn huyện Bình Chánh Hoàng Công Sơn cho biết: Thực hiện công tác kiểm tra chất lượng phân bón, cả đoàn chỉ có một thành viên có chứng chỉ lấy mẫu nhưng… hết hạn. Do vậy, Đoàn phải liên hệ phòng kiểm nghiệm, yêu cầu họ cử nhân viên có chứng chỉ tới lấy mẫu nên không chủ động được thời gian, tốn kém chi phí kiểm nghiệm do phát sinh. Cũng theo ông Sơn, chất lượng phân bón là lĩnh vực cần có chuyên sâu với rất nhiều văn bản hướng dẫn đi kèm. Thí dụ, đối với một chỉ tiêu, nếu doanh nghiệp công bố là 10, kết quả kiểm nghiệm là 9,5 cũng chưa thể vội kết luận mẫu không đạt mà phải xem sai số quy định trong trường hợp này thế nào, nếu trong giới hạn cho phép thì vẫn là đạt. Có trường hợp quá khó, QLTT phải gửi văn bản đến cơ quan chuyên môn để tham vấn ý kiến nhưng cũng không được xác nhận đạt hay không đạt mà chỉ hướng dẫn tham khảo thông tư. Vì vậy, QLTT kiến nghị, nếu được giao chủ công kiểm soát thị trường phân bón thì lực lượng kiểm tra của đơn vị phải được tổ chức tập huấn kiến thức hằng năm. Một khó khăn khác là, thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm khá dài, có khi đến 30 ngày, nếu chủ hàng khiếu nại kết quả, phải xét nghiệm lần hai (phân bón vô cơ), lần ba (phân bón hữu cơ) khiến thời gian xử lý kéo dài, trong khi luật quy định thời gian tạm giữ hàng hóa không quá 60 ngày.
Theo Cục trưởng Trồng trọt (Cơ quan quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác) Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Tính đến hết tháng 10-2016, Cục Trồng trọt mới cấp được 107/234 hồ sơ đăng ký. Như vậy, vẫn còn hơn 50% số hồ sơ chưa được cấp phép do doanh nghiệp chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định dù đã được hướng dẫn khắc phục. Về nguyên tắc, các doanh nghiệp này sẽ không được sản xuất phân bón nếu chưa có giấy phép nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất cho đến khi có đoàn kiểm tra đến và đình chỉ hoạt động.
Nguồn: Nhandan.com.vn