Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn vụ buôn bán và vận chuyển phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Lạc vào "ma trận" phân bón
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, cả nước hiện có 14.174 sản phẩm phân bón được phép lưu hành, cả phân bón vô cơ và hữu cơ với 706 nhà máy sản xuất. Sản lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn, cùng với nhập khẩu 4 triệu tấn/năm, hiện tại sản xuất đã dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, nghịch lý là hiện nay nhu cầu trong nước chỉ sử dụng 11,5 triệu tấn phân vô cơ, còn phân hữu cơ chỉ 1 triệu tấn/năm. Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, phân bón hữu cơ chỉ chiếm 1/10 so với công suất sản xuất phân vô cơ. Điều này khiến thị trường phân bón đang phát triển ồ ạt, thiếu định hướng dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu.
Thị trường phân bón đang nhiễu loạn, hàng chục nghìn sản phẩm phân bón với các loại chất lượng khác nhau - đã khiến bà con nông dân hoang mang vì “ma trận” giá tiền. Đặc biệt, chỉ vì được hứa hẹn có lợi nhuận cao hơn mà nhiều đại lý, cửa hàng bán phân bón trên nhiều địa phương cả nước đang tiếp tay cho phân bón giả, phân bón kém chất lượng len lỏi vào từng địa phương, từng xã, thôn của mọi miền đất nước.
Theo BCĐ 389/QG, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 - 2,5 tỷ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với dinh dưỡng có trong phân bón.
Có thể nói, ngoài thiệt hại từ kinh tế do phân bón giả gây ra, thì hậu quả tác hại mà chưa đo đếm được có thể lớn hơn rất nhiều, phân bón giả, kém chất lượng đi vào lòng đất làm thái hóa nguồn đất, chất lượng đất nông nghiệp giảm sút, kéo theo mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người. Không những thế, bất cập ngay trước mắt là phân bón kém chất lượng, giả hoành hành dẫn đến cây trồng không đạt năng suất, không có sức chống trọi lại nhiều loại bệnh tấn công dẫn đến tình trạng tăng kinh phí cho việc phòng chống và trị sâu bệnh hại.
Cuối cùng, chi phí sản xuất thì tăng thêm mà thu nhập thì giảm đi khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút, kéo theo rất nhiều hệ lụy không đáng có.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Với những thủ đoạn tinh vi, nhiều DN trong nước và DN liên doanh với nước ngoài đã sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ chất lượng kém, nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng có nguồn gốc nước ngoài, nếu không có sự hỗ trợ thông tin từ nhà sản xuất hoặc cơ quan giám định, thì bằng mắt thường không thể nào phát hiện được.
Họ còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng; đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì thay thế loại phân bón khác. Tổ chức hoạt động của các DN sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường bí mật, khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ.
Trong khi đó, không ít bà con nông dân, vì ham rẻ và chưa có nhiều kiến thức về phân bón, dễ bị chủ DN, đại lý móc nối nhau để lừa và việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng có nhiều cơ hội để phát triển.
Điển hình là vụ việc Công ty Phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) bị bắt quả tang sản xuất phân bón giả, làm xôn xao dư luận hơn 2 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó thủ tướng thường trực kiêm Trưởng BCĐ 389/QG đã khẳng định, đây là vụ việc bức xúc, dư luận rất quan tâm, phải có kết quả rõ ràng. Bởi nó liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sức khỏe con người, làm mất uy tín quốc gia.
Năm 2016, tại Ninh Bình, sự việc liên quan đến buôn bán phân bón giả, kém chất lượng nhưng lại được đại lý quảng cáo là sản xuất theo công nghệ của Mỹ khiến nhiều người dân đặt niềm tin mà mua về bón cho cây. Nhưng gần tới ngày thu hoạch, lúa vẫn lép kẹp, mất mùa. Nhiều người lâm cảnh nợ nần chồng chất.
Tại huyện Đại Lộc (Lâm Đồng), thời gian qua, nhiều gia đình không thể thu hoạch cà phê vì bị héo lá do bón phải phân bón kém chất lượng. Sau thời gian trồng trọt, chăm bón, mất bao công sức vất vả, tốn tiền đầu tư về cây giống, phân bón, sức lao động… cuối cùng người nông dân bị mất mùa, trắng tay chỉ vì nạn phân bón giả.
Gần đây (cuối tháng 4/2018), Chi cục QLTT (Sở Công thương tỉnh Trà Vinh) đã phát hiện 1 mẫu phân bón là hàng giả không có giá trị sử dụng công dụng và 5 mẫu phân bón có chất lượng không phù hợp với công bố áp dụng. Chi cục đã xử phạt tổng số tiền 90 triệu đồng; tịch thu 19 bao phân bón là hàng giả không có giá trị sử dụng công dụng, đồng thời buộc tái chế 150 lon (loại 1 kg) và 75 bao phân bón có chất lượng không phù hợp với công bố áp dụng…
Tăng cường chế tài xử phạt
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Trên thị trường, luôn tồn tại những loại phân bón giả, nhái, giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu của những loại phân bón khác, phổ biến là những loại sản phẩm chất lượng chỉ còn 20 - 30% hàm lượng theo đăng ký và công bố chất lượng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất nông nghiệp thấp, chất lượng sản phẩm không cao”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng là vô cùng nhức nhối, đã tồn tại từ lâu. Mỗi năm, những vụ vi phạm trên địa bàn cả nước là rất lớn, để lại hậu quả liên hoàn đến xã hội từ ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe, tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính.
Cũng theo ông Phú, để có những giải pháp tốt cho thị trường, đề nghị phải tổ chức lại sản xuất và nhập khẩu phân bón. Các cơ quan ban ngành phải luôn phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lý được từ khâu sản xuất, nhập nguyên liệu đầu vào và kiểm soát được tình hình nhập hàng qua biên giới. Con đường đi của phân bón phải rõ ràng từ khâu sản xuất đến phân phối ra thị trường và mỗi địa phương là người chịu trách nhiệm trực tiếp khi có vấn đề xảy ra, xử lý nghiêm khi phát hiện dấu hiệu sai phạm.
Xác định rõ vai trò, vị trí và ảnh hưởng của phân bón tới nền nông nghiệp và đời sống dân sinh, Chính phủ, các bộ, ngành đều hết sức quan tâm và dành nhiều thời gian, công sức nhằm quản lý phân bón. Theo đó, việc ra đời Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng phân bón vô cơ được ban hành là một minh chứng rõ nét.
Nguồn: Thương hiệu & Công luận