Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, kinh doanh phân bón giả. Tuy nhiên, do lợi nhuận mang lại lớn, công tác quản lý còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, khiến phân bón giả, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hiển ở huyện Ninh Khánh (Ninh Bình) cho biết, năm 2016, một đại lý phân bón trên địa bàn huyện đã giới thiệu để bán cho bà loại phân bón mới, được quảng cáo là sản xuất theo công nghệ của Mỹ, mỗi héc-ta chỉ hết gần chín triệu đồng tiền phân bón, nhưng lại được khuyến mãi thêm điện thoại di động. Tin tưởng, bà Hiển đã vay ngân hàng 40 triệu đồng mua trọn gói, trả một lần để được hưởng các khuyến mãi. Nhưng gần tới ngày thu hoạch, lúa vẫn lép kẹp, mất mùa. Gia đình bà Hiển lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Còn tại huyện Đại Lộc, tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, nhiều gia đình không thể thu hoạch cà-phê vì cà-phê bị héo lá do bón phải phân bón kém chất lượng. Sau thời gian trồng trọt, chăm bón, mất bao công sức vất vả, tốn tiền đầu tư về cây giống, phân bón, sức lao động… cuối cùng người nông dân bị mất mùa, trắng tay chỉ vì nạn phân bón giả.
Được biết mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý gần 3.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng, tập trung nhiều tại các tỉnh như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Định, Đồng Nai… Với những thủ đoạn tinh vi, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài đã sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ chất lượng kém nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng có nguồn gốc nước ngoài. Họ còn lợi dụng kẽ hở trong quy định của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả, kém chất lượng; đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì thay thế loại phân bón khác. Tổ chức hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường bí mật khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường lợi dụng trình độ nhận thức của bà con nông dân chưa cao, ham mua đồ rẻ cho nên đã quảng bá để bán hàng giả, kém chất lượng nhằm thu lợi nhuận.
Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều cơ quan chức năng đã cùng vào cuộc nhưng hiện nay vẫn chưa phân định rõ trách nhiệm, do đó chưa có cơ quan nào thật sự có đủ thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu phân bón; việc quản lý còn phân tán và chồng chéo. Trong khi đó, do thói quen của một bộ phận người dân ở nông thôn vẫn ham giá rẻ, mẫu mã hàng hóa bắt mắt… vô hình trung tạo điều kiện cho nạn buôn bán phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng.
Vấn nạn sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng đang trực tiếp ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân, làm thiệt hại cho nền kinh tế. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại hàng tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Họ không được trang bị kiến thức đầy đủ, lại có tâm lý thích chiết khấu hoa hồng cao... Đó là lý do khiến phân bón giả vẫn len lỏi tới từng hộ nông dân.
Để khắc phục tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường hiện nay, các cơ quan chức năng ngoài việc tuyên truyền để nông dân biết tác hại của phân bón giả, kém chất lượng cần có biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con sử dụng phân bón an toàn hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm; cần tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón để kịp thời phát hiện những hành vi sản xuất, kinh doanh sai trái. Thực hiện đúng, kịp thời Nghị định số 108/2017/NÐ-CP ngày 20-9-2017 của Chính phủ (thay thế Nghị định 202/2013/NÐ-CP ngày 27-11-2013 về quản lý phân bón); tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc chấp hành các quy định của luật pháp trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, không kinh doanh, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng. Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, cần làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường làm rõ phương thức thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có biện pháp xử lý hiệu quả. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Tổ chức và hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp bảo đảm huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng phòng ngừa đấu tranh chống phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng.
Thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại những loại phân bón giả, phân bón nhái, giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu của những loại phân bón khác, phổ biến là những loại phân bón chất lượng chỉ còn 20 đến 30% hàm lượng theo đăng ký và công bố chất lượng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất nông nghiệp của Việt Nam thấp, chất lượng sản xuất sản phẩm không cao.
NGUYỄN HẠC THÚY
(Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam)
Nguồn: Nhandan.com.vn