Nông dân bây giờ không chỉ lo mất mùa, mất giá mà chuyện giá phân bón cũng đang là nỗi lo không kém. Bởi, giá cả phân bón trong vòng hơn 7 năm trở lại đây liên tục nhảy múa theo hướng tăng mà ít có đà giảm.
Có những loại phân bón, tăng lên gấp đôi, gấp 3. Nông dân ở nhiều tỉnh, thành vẫn đang cố “gồng gánh” để duy trì sản xuất và bấm bụng chịu cảnh sụt giảm giá trị kinh tế từ nông nghiệp do chi phí quá cao từ phân bón trong từng vụ mùa. Ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là lần bón phân thứ 3 cho 3 sào lúa của gia đình ông Thức. Vị chi số tiền ông mua phân bón để bón cho diện tích lúa vụ này đã hơn 3 triệu đồng. Ông Thức tính sơ bộ thì tổng diện tích lúa này sau khi thu hoạch nếu bán hết sẽ thu về khoảng 6,5 triệu đồng nhưng riêng tiền phân bón đã “ngốn” hết phân nửa. Chi phí tiếp cho tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê máy làm đất, máy thu hoạch lúa thì nguồn thu nhập dôi dư còn lại cũng chỉ ba cọc ba đồng. Ông cho rằng, nếu giá phân bón ở mức như thời điểm năm, bảy năm về trước thì còn có thu nhập.
20 sào dưa lưới của ông Hưởng ở vùng chuyên canh cây dưa lưới này cũng luôn trong cảnh bấp bênh vì chi phí cho phân bón quá lớn. Một năm làm 2 vụ dưa lưới thì riêng tiền mua phân bón, ông Hưởng đã tốn hơn 160 triệu đồng. Chỉ cần dưa lưới bị mất mùa hoặc rớt giá thì những nông dân như ông coi như cầm chắc thua lỗ.
Tác động của giá phân bón sản xuất trong nước tăng cao mà nguyên nhân chính xuất phát từ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo Luật thuế 71 được áp dụng từ năm 2015 đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán của nông dân, trước đây, chi phí cho phân bón chỉ chiếm khoảng 20% vật tư nông nghiệp thì nay đã đội lên 50% khiến chi phí sản xuất của nông dân tăng vọt.
Các doanh nghiệp kiến nghị phân bón là đối tượng chịu thuế VAT để được khấu trừ thuế đầu vào. Giảm giá phân bón được coi là giải pháp cần thiết để người nông dân yên tâm sản xuất, thoát cảnh thấp thỏm trong từng vụ mùa.