Phân bón giả vẫn tràn lan ở ĐBSCL, xử lý 3.000 vụ năm 2015

09:14 SA @ Thứ Ba - 14 Tháng Sáu, 2016

TP. Cần Thơ, Bộ Công thương phối hợp với Tổng Cty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phân bón Phú Mỹ) mới tổ chức hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống các vi phạm pháp luật trong SX kinh doanh phân bón.

Một năm xử lý 3.000 vụ

Trước tình hình vi phạm về SX, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng của cả nước diễn biến khá phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt tại ĐBSCL - nơi trồng nhiều cây nông nghiệp như lúa, trái cây và rau màu… nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn nên tình trạng làm phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng ở thị trường này.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), hiện nay có khoảng 800 cơ sở SX phân bón và hơn 1.600 cơ sở kinh doanh ở phía Nam. Trên thị trường ước tính còn 500 cơ sở SX phân bón nhỏ lẻ, chưa đủ điều kiện. Có 10% SX theo công nghệ tiên tiến, số còn lại SX theo thủ công.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết, phân bón là mặt hàng quan trọng cho nông dân, vì đây là sản phẩm đảm bảo 80% giúp cây trồng cho năng suất cao. Trong quá trình SX phân bón vẫn còn một số DN làm ăn không chân chính vì lợi nhuận.

Trong năm 2015 phát hiện và xử lý trên 3.000 vụ, trong đó có hơn 1.000 tấn phân bón được phát hiện kém chất lượng. Hầu hết các mẫu phân bón kém chất lượng nằm ở các DN nhỏ và vừa làm lén lút rồi tuồn bán ra thị trường nông thôn ở vùng sâu vùng xa.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Cần Thơ, cho biết, ĐBSCL có nhu cầu sử dụng phân bón rất lớn, đây là thị trường màu mỡ của các đối tượng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, thanh tra xử lý các đối tượng vi phạm.

Hiện tại TP. Cần Thơ có 73 Cty và 478 cơ sở kinh doanh phân bón các loại. Trong 6 tháng đầu năm, tổng số vụ kiểm tra trên địa bàn TP. Cần Thơ phát hiện 9 vụ vi phạm, trong đó có 1 vụ vi phạm bán hàng hóa xâm phạm quyền, 8 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Tổng số tiền xử phạt gần 50 triệu đồng.

Lỏng lẻo trong quản lý

Trong 5 tháng đầu năm 2016 lực lượng chức năng tại TP.HCM tiến hành kiểm tra 23 vụ, trong đó có 18 vụ vi phạm về phân bón, nhiều nhất là giả mạo hàng hóa, giả mạo về nhãn hiệu, không có giấy phép kinh doanh, không công bố hợp quy, sai nhãn hiệu hàng hóa… Tổng số tiền xử phạt 68 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường, TP.HCM cho biết, do công tác quản lý SX kinh doanh còn lỏng lẻo, vấn đề liên kết với ban ngành chưa chặt.

Nông dân ở huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ chọn lựa phân bón có thương hiệu trên thị trường để tránh hàng giả hàng kém chất lượng

Hiện nay trong quản lý phân bón bị phân khúc, chẳng hạn như phân vô cơ do ngành Công thương quản lý, phân bón hữu cơ do ngành Nông nghiệp quản lý. Riêng TP.HCM, đã bắt nhiều vụ họ làm theo đơn đặt hàng của các tỉnh và mang đi tiêu thụ, nên việc phát hiện và xử lý rất khó khăn.

Bà Trần Thanh Tiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Kiên Giang, cho biết, trong 5 tháng đầu năm, đơn vị kiểm tra 78 vụ, phát hiện xử phạt 1 vụ vi phạm, buộc tiêu hủy 320 chai phân bón xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, buộc tiêu hủy 160 chai phân bón xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp; tịch thu 2.673 đơn vị (kg, lít) phân bón không có hóa đơn chứng từ.

Theo bà Tiệp, khó khăn hiện nay trong quản lý phân bón giả, kém chất lượng là đa phần cơ sở kinh doanh phân bón có quy mô nhỏ, mua hàng hóa qua trung gian phân phối. Không có lưu trữ tại cơ sở hồ sơ chứng minh việc công bố hợp quy, hợp chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng liên quan đến phân bón. Khi có thông báo kiểm tra thì sau đó các cơ sở này mới liên hệ với đơn vị phân phối để cung cấp các giấy tờ cho các cơ quan kiểm tra, do đó mất nhiều thời gian.

Nguồn: