Do chính sách thuế đã bộc lộ nhiều bất cập nên phân bón trong nước có giá bán cao hơn rất nhiều so với phân bón nhập khẩu.
Những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Để thực hiện mục tiêu này, chủ trương của Đảng, Nhà nước là giảm giá bán phân bón cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón. Trên cơ sở đó, năm 2014 Luật thuế 71 ra đời và chính thức có hiệu lực từ 2015 đã quy định mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên sau gần 5 năm thực hiện, Luật thuế 71 đã nảy sinh một số bất cập, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên hệ quả là không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân. Hệ quả là nông dân vẫn phải mua phân bón nội với giá cao, thậm chí không ít nông dân đã tìm đến với phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.
Khoảng 5 năm nay, bà Hoạt và nhiều hộ dân ở xã Xuân Minh, Thọ Xuân, Thanh Hóa đã chọn phân bón Trung Quốc để sử dụng cho các đối tượng cây trồng trên đồng ruộng. Dù ý thức được phân bón Trung Quốc không tốt bằng phân bón sản xuất trong nước, thế nhưng họ vẫn lựa chọn do giá cả phải chăng.
“Phân bón của Trung Quốc giá rẻ hơn, bà con không biết là chất lượng kém hơn nên cứ thấy cây trồng xấu là bón thôi” – bà Hoạt cho biết.
Năm 2014, luật thuế 71 được Quốc hội khóa 13 thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015. Theo quy định của luật này, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, do vậy nên không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, điều này khiến giá phân bón sản xuất trong nước tăng cao, khiến nhiều nông dân gặp khó khăn trong khâu sản xuất.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn nhất hiện nay. Hàng năm doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường từ 1-1,2 triệu tấn phân bón.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, từ 2015 đến nay khi bắt đầu thực hiện luật thuế số 71, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã phải hạch toán khoảng 637 tỷ đồng tiền thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất khiến giá thành phân bón tăng từ 5-8%, cụ thể mỗi tấn phân URE mà doanh nghiệp này bán ra thị trường sẽ đội giá từ 300 – 400 ngàn đồng.
Ông Lê Văn Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) phân tích: Thuế đầu vào đó bắt buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất của đơn vị,d ẫn đến giá thành, giá bán tăng lên từ 5-8%. Điều này dẫn đến trạng thái: một là, để duy trì sản xuất bắt buộc phải tăng giá bán và người nông dân phải chịu mua phân bón với giá cao.
Còn ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: “Khi tổng mức đầu tư tăng lên do không được hoàn thuế, không được khấu trừ VAT dẫn tới hiệu quả đầu tư giảm. Nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng đầu tư các loại công nghệ mới để sản xuất ra các thế hệ phân bón mới. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới bà con nông dân”.
Theo số liệu thống kê của hiệp hội phân bón Việt Nam , từ năm 2015 đến nay mỗi năm chúng ta nhập khẩu khoảng trên 4 triệu tấn phân bón chủ yếu từ các nước: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… trị giá khoảng 1,33 tỷ USD. Những sản phẩm phân bón ngoại này có mức giá tương đối ưu đãi so với phân bón sản xuất trong nước do cũng không phải chịu thuế VAT theo quy định của luật 71.
Luật thuế 71 khó thúc đẩy “Người Việt dùng hàng Việt”
Luật thuế 71 ra đời với kỳ vọng rất nhân văn về việc giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên sau khoảng 5 năm thực hiện, luật này đã cho thấy nhiều tác động “ngược” không như kỳ vọng.
Theo Luật Thuế 71, thuế VAT cũng được miễn giảm đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước. Thực tế, việc cạnh tranh giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước ngày càng khốc liệt và khoảng cách ngày một nới rộng theo hướng có lợi cho phân bón nhập khẩu.
Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, khi doanh nghiệp mua thiết bị hàng hóa, nguyên vật liệu (điện, than, khí) và các dịch vụ khác để sản xuất phân bón sẽ không được khấu trừ mà phải tính vào chi phí giá thành sản xuất, làm giá thành phân bón tăng lên, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Nông dân sẽ phải mua phân bón giá cao hơn, vì phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào. Cụ thể, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71 thì giá thành phân đạm tăng 7,2%- 7,6%; phân DAP tăng 7,3%- 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5%- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2%-6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Việc đội giá này khiến cho giá thành các sản phẩm phân bón trong nước hầu hết cao hơn giá thành phân bón nhập khẩu, điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm phân bón nội địa.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay các sản phẩm phân bón trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn của hàng nhập khẩu, chủ yếu đến từ các nước như Trung Quốc, Nga, Indonesia, Malaysia… do lợi thế công nghệ sản xuất, và đa phần là các nước thuộc khối ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định ATIGA. Do vậy việc đưa phân bón trở lại nhóm hàng chịu thuế GTGT không những sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước mà còn hạn chế được việc nhập khẩu ồ ạt phân bón ngoại với giá rẻ.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội phân tích: Khi sản phẩm phân bón bán ra không được trừ thuế GTGT thì người ta không được trừ thuế GTGT đầu vào, vì thế giá thành sản xuất sẽ cao hơn vì người ta cộng toàn bộ giá trị thuế GTGT đầu vào. Vì thế, nó tác động đến yếu tố, DN nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào không phải chịu thuế GTGT đầu vào. Chúng ta nhìn thấy chính sách này đang tạo ra hỗ trợ cho nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ cho DN công nghiệp trong nước
Ở khía cạnh khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Về ngân sách nhà nước, nếu đánh thuế VAT với phân bón thì lập tức phân bón ngoại nhập cũng phải chịu thuế VAT. Và ngân sách Nhà nước ngay khi nhập lượng phân bón vào biên giới là đã đánh thuế rồi và ngân sách thu được một khoản từ thuế VAT đó. Nhưng đồng thời, thuế VAT đó làm cho giá phân bón cao lên và nó làm cho năng lực cạnh tranh của DN trong nước cũng được nâng theo”.
Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón của Việt Nam là khoảng 11 triệu tấn/năm trong đó chủ yếu là phân bón vô cơ với khoảng 10 triệu tấn. Từ năm 2015 đến nay sản lượng phân bón nhập khẩu liên tục tăng lên và đạt khoảng 4 triệu tấn/năm. Phân bón ngoại nhập giá rẻ do được hưởng ưu đãi về thuế GTGT khiến cho cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khó đạt được kết quả như kỳ vọng./.
Nguồn: Vov.vn