Phân bón bị làm giá, nông dân chịu thiệt !

10:31 SA @ Thứ Hai - 20 Tháng Mười Hai, 2010
Sau một thời gian tăng mạnh, khoảng 2 tuần nay, giá nhiều loại phân bón đã giảm trở lại. Nhưng nông dân chưa được hưởng lợi, do phải mua phân bón qua các đại lý, cửa hàng cấp 2 trở lên và mua đến cuối vụ mới trả tiền, nên giá bị đẩy lên cao…

So với đầu tháng 12-2010, hiện giá nhiều loại phân bón như Urê, DAP, NPK... đã giảm 40.000-60.000 đồng/bao/50kg. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp (đại lý cấp 1) ở TP Cần Thơ, giá phân Urê Phú Mỹ và Urê Trung Quốc ở mức 420.000-423.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt đen 685.000 đồng/bao, hạt vàng sọc đỏ: 698.000 đồng/bao, hạt xanh 710.000 đồng/bao. Giá phân NPK 16-16-8 Việt Nhật: 460.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 Hàn Quốc: 467.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 Philippines: 505.000 đồng/bao; NPK Đầu Trâu 20-20-15 loại cao cấp: 630.000 đồng/bao. Còn giá phân kali khoảng 540.000-550.000 đồng/bao, Lân Đầu bò 220.000 đồng/bao, lân Long Thành 125.000 đồng/bao.

Theo giới kinh doanh, giá nhiều loại phân bón giảm, do nhu cầu tại các địa phương trồng lúa ĐBSCL đã giảm so với trước, nhiều nơi nông dân đã bón phân đợt 2 và đợt 3 cho lúa đông xuân 2010- 2011. Nhiều cửa hàng bán lẻ phân bón tại các tỉnh, thành ĐBSCL không đẩy mạnh lấy hàng vào như các tháng trước, mà chủ động giảm giá để giải tỏa lượng hàng tồn kho và xoay vòng vốn. Mặc dù giá nhiều loại phân bón tại các đại lý cấp 1 đã giảm, nhưng giá bán lẻ đến tay nông dân vẫn ở mức cao. Cụ thể, tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp đại lý cấp 2, cấp 3 ở TP Cần Thơ, giá các loại phân Urê ở mức 440.000-450.000 đồng (tiền mặt), phân DAP Trung Quốc (tiền mặt): 730.000-750.000 đồng/bao, tùy loại. Còn giá bán nhiều loại phân NPK, lân, kali cũng cao hơn khoảng 20.000 đồng/bao so với giá bán tại đại lý cấp 1. Theo phản ánh của nhiều nông dân ở TP Cần Thơ, với điều kiện giao thông ngày càng phát triển, họ dễ dàng tìm đến các đại lý cấp 1 để mua phân bón, nhưng không đủ tiền mặt để thanh toán ngay. Do vậy, nhiều người thiếu vốn sản xuất phải chấp nhận mua phân bón với mức giá tăng thêm 20.000-30.000 đồng/bao, tùy loại.

Anh Nguyễn Văn Tỷ ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, đang sản xuất 10 công lúa, cho biết: “Nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở gần nhà tôi đang bán phân Urê Phú Mỹ 440.000 đồng/bao (tiền mặt), nhưng không có tiền, tôi đành mua thiếu đến cuối vụ trả với giá 460.000 đồng/bao và mua phân DAP (Trung Quốc, loại hạt đen) giá tới 745.000 đồng/bao”. Ông Huỳnh Văn Vững ở ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, có 15 công trồng lúa, giữa tháng 12-2010 ông đã mua phân về bón đợt đầu cho lúa đông xuân 2010-2011, giá phân DAP 730.000 đồng/bao và Urê ở mức trên 430.000 đồng/bao. Ông Vững cho rằng, giá phân bón bị đẩy lên cao do nông dân mua qua nhiều trung gian, đa phần người trồng lúa đều thiếu vốn sản xuất, phải mua vật tư nông nghiệp gối vụ ở các đại lý, nên giá rất cao.

Trên thực tế, các loại vật tư nông nghiệp khi đến tay nông dân ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL đã qua ít nhất 2-4 khâu trung gian. Chị Thái Thị Phượng, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Tám Phượng ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Cửa hàng tôi lấy phân bón từ các doanh nghiệp và đại lý cấp 1 ở khu vực trung tâm quận Ô Môn. Nhưng tôi được biết vật tư nông nghiệp của nhiều doanh nghiệp và đại lý cấp 1 này không mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phân bón trong nước, mà phải mua lại của các đầu mối cung cấp phân bón sỉ ở TP Hồ Chí Minh”. Theo chị Phượng, do hạn chế về tài chính, các cửa hàng bán lẻ thường lấy phân bón với một số lượng cân đối theo nhu cầu của người dân địa phương. Các cửa hàng bán lẻ mua hàng vào với giá cao thì phải bán ra với giá cao. Đôi khi giá bán ở các nhà phân phối sỉ và đại lý cấp 1 đã giảm, nhưng giá bán tại cửa hàng bán lẻ chưa giảm ngay vì còn lượng hàng tồn kho (trước đó đã mua với giá cao).

Ngoài ra, tình trạng kinh doanh phân bón theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” của các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón cho các đại lý đã tạo điều kiện cho việc tăng giá. Trong khi các nhà sản xuất, doanh nghiệp không chịu trách nhiệm về giá cả và chất lượng của các loại phân bón khi đến tay người dân. Thêm vào đó, việc kiểm soát chất lượng, giá cả của các ngành chức năng chưa chặt đã tạo nên rất nhiều hệ quả, mà nông dân là người chịu thiệt nhiều nhất. Thiết nghĩ, bình ổn giá phân bón và tổ chức lại mạng lưới phân phối trên thị trường là điều rất cần thiết, để nông dân an tâm sản xuất, tránh những thiệt hại không đáng có khi xảy ra tình trạng phân bón kém chất lượng, hàng giả... Mặt khác, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phân bón phải có trách nhiệm hơn đối với nông dân.

Nguồn: