Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, năm 2010, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được cấp 80 tỷ đồng (kế hoạch Bộ Công Thương đề xuất là 89,9 tỷ đồng); trong đó, sẽ dành khoảng 40% kinh phí xúc tiến thị trường trong nước, đồng thời sẽ tăng kinh phí hỗ trợ DN lập kênh bán hàng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và truyền thông, tuyên truyền về hàng Việt.
Chỉ 20% doanh nghiệp có kỹ năng, biết cách xây dựng thương hiệu. Đó là thông tin được lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) công bố, tại Hội thảo “Chung tay xây dựng thương hiệu Quốc gia” hôm 9/6, tại Hà Nội.Ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Xúc tiến Thương mại -cho hay, xây dựng Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value) là xây dựng thương hiệu của chính các doanh nghiệp (DN), có các sản phẩm tham gia chương trình thương hiệu quốc gia. Muốn vậy, DN phải khẳng định được chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong lòng người tiêu dùng.
“Thời gian qua người tiêu dùng Việt Nam đã có ý thức hơn trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, bản thân DN phải có đủ hàng hóa, có chất lượng để người tiêu dùng (DN cũng là người tiêu dùng) tin tưởng lựa chọn, sử dụng. Như thế dần dần mới thay thế được hàng ngoại”- Ông Hải nói.
Ở khía cạnh DN, ông Phạm Quang Vũ, Phó Tổng GĐ Cty CP Vinacafé Biên Hòa cho hay: “Tất cả sản phẩm của chúng tôi được lựa chọn nghiêm ngặt từ khâu nguyên liệu. Chúng tôi chủ trương chỉ dùng hương liệu tự nhiên. Chính vì vậy, Vinacafé hai lần được nằm trong nhóm thương hiệu quốc gia. Vinacafé hòa tan hiện chiếm 50% thị phần trong nước. Để bảo vệ thương hiệu, chúng tôi đã đăng ký thương hiệu với 140 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới”.
Cùng quan điểm với ông Vũ, ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Cty CP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô miền Bắc cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là chiến lược dài hạn, không thể qua một đợt quảng cáo rầm rộ, tung hàng, hay PR tưng bừng… là làm được thương hiệu. Mà chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải gắn với lòng yêu thích của người tiêu dùng, mới là cái trường tồn.
Theo các chuyên gia về thương hiệu, muốn xây dựng thương hiệu mạnh, đặc biệt là thương hiệu quốc gia, không thể định lượng được thời gian. Đường đi, nước bước đã có sẵn, vấn đề là cách làm, nếu tận dụng được kinh nghiệm quốc tế, phát huy thế mạnh của mình sẽ nhanh hơn.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại cho hay, số DN Việt Nam đầu tư có phương pháp, có kỹ năng, kỹ thuật để xây dựng thương hiệu hiện chỉ khoảng 20%. Nhiều DN Việt Nam muốn làm thương hiệu nhưng lại khó khăn nhân lực trong lĩnh vực marketting, thương hiệu.