Đó là nội dung chính tại Hội nghị khoa học quốc tế “Đổi mới sáng tạo kỹ thuật hóa học trong Công nghiệp và xã hội của cộng đồng AUN/SEED - Net” diễn ra từ ngày 29/11- 1/12.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Khánh - Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam cho biết, nét mới trong chương trình của Hội nghị khoa học quốc tế “Đổi mới sáng tạo kỹ thuật hóa học trong Công nghiệp và xã hội của cộng đồng AUN/SEED- Net” đó là sự lồng ghép của ba hội nghị: Hội nghị Kỹ thuật Hóa học AUN/SEED - Net lần thứ 8; Hội nghị Hóa học toàn quốc Việt Nam lần thứ 7 và Hội nghị Kỹ thuật công nghệ hóa học toàn quốc Việt Nam lần thứ 2.
Cũng theo ông Lê Quốc Khánh, trong khuôn khổ các hội nghị trên diễn ra Hội thảo “Kỹ thuật công nghệ hóa học và môi trường hướng tới phát triển bền vững” tại Ninh Bình. Theo đó hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, khoa học và các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, cập nhật để áp dụng thành quả nghiên cứu khoa học tiên tiến giúp trực tiếp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong dây chuyền sản xuất hóa chất, đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Đại Quang - Phó tổng giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) khẳng định, trong quá trình hội nhập và phát triển, Vinachem luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ (KH & CN), coi đây là nhân tố quan trọng, cơ bản cho sự tăng trưởng và đóng góp có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. Bên cạnh đó nâng cao công tác bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững. Điển hình, như công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao với công trình nghiên cứu chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphurich từ phương pháp tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang tiếp xúc kép. Hấp thụ hai lần không những làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm định mức tiêu hao nhiên liệu mà còn giúp giảm ô nhiễm khí thải công nghiệp xuống dưới mức cho phép theo quy chuẩn Việt Nam.
Trong lĩnh vực sản xuất phân đạm, Công ty Phân đạm hóa chất Hà Bắc đã liên tục nghiên cứu chiều sâu đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Thực hiện đề tài nâng cao hiệu quả công đoạn khí hóa than cục nhằm giảm tiêu hao than cục/NH3. Hiệu chỉnh lò hơi xưởng nhiệt với mục tiêu giảm tiêu hao than cám/hơi. Duy trì sản xuất cao, tải ổn định trong điều kiện tối ưu nhằm giảm định mức.
Ngoài ra, để giảm ô nhiễm môi trường, Công ty Phân đạm hóa chất Hà Bắc đã nghiên cứu cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống hồ môi trường để nâng cao hệ thống tuần hoàn khử tro xỉ xưởng nhiệt…Đầu tư các hệ thống làm mát tuần hoàn nhằm giảm tiêu thụ lượng nước nguyên, giảm lượng thải ra môi trường…
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình cũng cho biết về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất đạm urê tại Nhà máy đạm Ninh Bình. Đây chính là dự án khí hóa than Sell thứ 20 trên thế giới và dự án khí hóa than Sell đầu tiên của Việt Nam. Sau 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã làm chủ được được dây chuyền công nghệ hiện đại, đem lại hiệu quả chuyển hóa cao nhất, thân thiện với môi trường, các chất thải đều được thu hồi, xử lý triệt để.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khẳng định tại hội thảo, phát triển ngành hóa chất cần quan tâm đến môi trường, thời gian tới cần ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hóa chất tập trung, chú trọng bảo vệ môi trường, có như vậy ngành hóa chất Việt Nam mới phát triển bền vững.