Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu DN do Bộ Tài chính chủ trì đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ xem xét. Dự thảo lần này đã quy định chặt chẽ hơn việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế của các loại hình DN.… |
Quy định phát hành sẽ chặt chẽ hơn
Từ trước đến nay, với nhiều lợi thế như không phải tuân thủ các điều kiện vay vốn khắt khe từ ngân hàng, không chịu sức ép chi phối từ cổ đông mới như phát hành cổ phiếu, được hưởng lợi từ chính sách thuế đối với khoản trả lãi trái phiếu…, nên việc phát hành trái phiếu được nhiều DN lựa chọn như một kênh huy động vốn hiệu quả.
Mặc dù vậy, khung pháp lý về phát hành trái phiếu DN hiện vẫn còn nhiều “khoảng trống” về: thời gian, điều kiện, phương án phát hành… Do đó, dự thảo Nghị định lần này nêu rõ: DN phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn; các hoạt động phát hành trái phiếu phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Để phát hành trái phiếu trong nước, DN phát hành phải đáp ứng các điều kiện: có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm kể từ ngày DN chính thức đi vào hoạt động; có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán bởi kiểm toán nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp ở Việt Nam; phương án phát hành trái phiếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…
Trường hợp phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, ngoài các điều kiện trên còn phải đáp ứng thêm các điều kiện sau: Trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm; đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế về hệ số tín nhiệm để phát hành trái phiếu (trong trường hợp phát hành cần có hệ số tín nhiệm); DN phát hành hoàn chỉnh hồ sơ phát hành theo đúng quy định; tuân thủ quy định về quản lý nợ nước ngoài, quản lý ngoại hối theo pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, phương án phát hành trái phiếu của DN nhà nước ra thị trường vốn quốc tế phải được Bộ Tài chính thẩm định trên cơ sở phê duyệt của đại diện chủ sở hữu và ý kiến xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về việc khoản vay nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia.
Dự thảo cũng quy định cụ thể thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trái phiếu DN. Theo đó, đối với phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ do Đại hội cổ đông phê duyệt. Đối với phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi sẽ do Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc đại diện chủ sở hữu DN phê duyệt theo quy định tại Điều lệ DN.
Cần loại bỏ những “hạt sạn”
Nhằm mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư tránh gặp rủi ro về khả năng trả nợ của DN khi tham gia mua trái phiếu, dự thảo quy định: “DN chỉ được phát hành khi kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi”. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quy định này mâu thuẫn với nội dung nêu tại Khoản 3 Điều 3 về mục đích phát hành trái phiếu là để cơ cấu lại các khoản nợ của DN. Một nội dung khác cũng tác động không tích cực đến hoạt động phát hành trái phiếu của DN trong dự thảo là: "Chủ sở hữu trái phiếu được tự do chuyển nhượng, cho, tặng, để lại thừa kế hoặc sử dụng để chiết khấu, cầm cố trong các quan hệ tín dụng theo quy định hiện hành của pháp luật". Việc giới hạn chủ sở hữu trái phiếu chỉ được "cầm cố trong các quan hệ tín dụng" đã làm hạn chế quyền của chủ sở hữu trong việc cầm cố trái phiếu, không bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự, kinh tế khác ngoài quan hệ tín dụng của chủ sở hữu. Đó là chưa kể, nội dung này còn mâu thuẫn với quy định tại Khoản 2, Điều 9 của dự thảo về "Quyền lợi của người mua trái phiếu" là được dùng trái phiếu để cầm cố trong các quan hệ dân sự.
Bên cạnh đó, quy định "trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm" trong dự thảo là nhằm bảo đảm quản lý việc vay nước ngoài, nhưng là điều rất khó xác định, vượt khỏi tầm kiểm soát đối với DN, có thể khiến DN gặp khó khăn trong triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu.