Phát triển thị trường phân bón: “Gạn đục, khơi trong”

08:53 SA @ Thứ Năm - 14 Tháng Mười, 2010

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện việc tổ chức sản xuất kinh doanh, cung ứng tiếp thị phân bón vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều khâu trung gian chồng chéo, nhiều nơi cạnh tranh không lành mạnh và chưa có một hành lang tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp, gây ra nhiều bất lợi cho người nông dân.

Thực tế, Việt Nam hiện đã sản xuất được nhiều loại phân bón như: phân Urê, phân Super lân, phân lân nung chảy, phân DAP, phân hỗn hợp, phân bón hữu cơ, phân bón chuyên dùng.

Đến nay, Việt Nam đã có các nhà máy sản xuất phân Urê với công suất hàng triệu tấn, các nhà máy phân lân super công suất hơn một triệu tấn, các nhà máy lân nung chảy, nhà máy phân hỗn hợp (NPK) với công suất 4 - 5 triệu tấn và các nhà máy phân hữu cơ...

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010 - 2020, Việt Nam phải xây dựng hệ thống sản xuất phân bón đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng trong nước. Bên cạnh đó phát triển công nghiệp sản xuất phân bón gắn liền với phát triển phân phối và bảo vệ môi trường, nhằm góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng cao, phát triển nhanh và bền vững; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án lớn về sản xuất phân vón và mạng lưới phân phối tới vùng sâu, vùng xa.

Mục tiêu từ nay tới 2020, Việt Nam phải hình thành hệ thống sản xuất phân bón với công nghệ hiện đại, quy mô lớn và hệ thống phân phối an toàn, hiệu quả nhằm cung ứng để về số lượng và chủng loại phân bón với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp do biến đổi khí hậu, đô thị hóa và dân số tăng cao...

Theo đó sẽ dần dần đáp ứng nhu cầu về phân đạm, phân lân, phân kali, các loại phân bón trung lượng và vi lượng; tổ chức hệ thống các cơ sở sản xuất phân hỗn hợp NPK hợp lý, có tổ chức với chất lượng tốt, giá thành hợp lý phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng cây trồng, từng vùng đất; bố trí hệ thống phân phối hợp lý, an toàn, đảm bảo cung ứng kịp thời các loại phân bón cho nông dân với giá cả hợp lý; đảm bảo thị trường phân bón trong nước ổn định, “gạn đục, khơi trong”, không có sản phẩm kém chất lượng; không gây hiện tượng "sốt" hàng hoặc "nâng giá".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải nhận định: phân bón là mặt hàng chiến lược phục vụ cho sự phát triển của nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Thứ trưởng đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ đạo các Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất phân bón có chất lượng tốt và có những sản phẩm thân thiện với môi trường phục vụ cho nhu cầu phát triển bền vững…

Những thông tin trên đã được đưa ra trong Hội nghị "Quy hoạch và phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu thụ phân bón đến năm 2020", diễn ra trong ngày 12/ 10, do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp tổ chức. Thông qua hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải mong rằng sẽ tìm ra những giải pháp để phát triển ngành công nghiệp sản xuất phân bón tương đối hoàn chỉnh góp phần vào phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.