Phòng chống nạn phân bón giả, kém chất lượng: Vừa “xây” vừa “chống”

09:01 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Mười, 2015

Đó là nhận định của ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tại “Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng” vừa được cục tổ chức ở Thanh Hóa.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT), ông Đỗ Thanh Lam cho biết, vài năm trở lại đây, vấn đề phân bón giả, kém chất lượng cũng như các hành vi vi phạm pháp luật trong việc sản xuất và kinh doanh phân bón có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại.

Theo ông Hoàng Văn Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa - các đối tượng chủ yếu lợi dụng khe hở quy định pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón NPK giả. Ví dụ, tổng 3 chất dinh dưỡng quy định phải đạt trên 70% nhưng vì đạm và kali có giá cao nên các đối tượng hạ tỷ lệ 2 thành phần trên và tăng tỷ lệ lân (giá rẻ) so với công bố tiêu chuẩn hoặc ghi nhãn ngoài bao bì. Hành vi này bản chất là làm giả phân bón nhưng không đủ cơ sở để xử lý hàng giả mà chỉ xử lý như hàng kém chất lượng. Hoặc hành vi khác cũng rất phổ biến là trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán lẻ. Hành vi này rất khó phát hiện và xử lý. Đây chính là hạn chế trong các văn bản pháp luật của nhà nước.

Ngoài các thủ đoạn trên, việc giả mạo về nhãn hiệu, bao bì cũng rất phổ biến, gây ngộ nhận, lầm lẫn cho người tiêu dùng.

Vừa “xây”, vừa “chống”

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo - nhà sản xuất kinh doanh phân bón Phú Mỹ) chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống nạn phân bón giả, kém chất lượng, đó là vừa “xây” vừa “chống”. “Xây” là liên tục có các hoạt động củng cố thương hiệu, đặc biệt là công tác tuyên truyền tới các đại lý và bà con nông dân về các dấu hiệu nhận biết hàng chính hãng, phân biệt với hàng giả, hàng nhái, cũng như các hệ lụy, thiệt hại không đáng có khi kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm giả, nhái. “Chống” là sử dụng các công cụ pháp lý để đấu tranh với các cá nhân, đơn vị có các hành vi làm hàng giả, hàng nhái hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cách tốt nhất, theo đại diện PVFCCo, trước hết nên gặp gỡ trực tiếp, tuyên truyền, giải thích để doanh nghiệp (DN) tự nhận thức được hành vi vi phạm và tự nguyện khắc phục, chỉ khi DN né tránh hợp tác thì mới cần biện pháp mạnh hơn là phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo pháp luật. Cách thức này khá hiệu quả, tuy lấy của các DN (cả phía vi phạm lẫn phía bị vi phạm) và cơ quan quản lý khá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, hình thức và thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi và gây khó cho lực lượng chức năng và DN; hơn nữa, mức xử phạt còn nhẹ, thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận thu được nên thiếu tính răn đe. DN bày tỏ mong muốn các chi cục QLTT tăng cường kiểm tra, xử phạt các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng để bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, lập lại trật tự thị trường, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ông Trần Thế Mạnh - Chi cục QLTT Hưng Yên:Trên địa bàn Hưng Yên, các đối tượng thường đánh lừa người tiêu dùng bằng việc ghi nhãn mác mập mờ. Ví dụ, trên bao bì ghi là NPK 16 - 16 - 8, theo cách hiểu thông thường là nitơ 16%, lân 16%, kali 8%, nhưng ở dưới bao bì có thêm dòng chữ rất nhỏ thành phần chính nitơ 1%, lân 1,5% và kali 1%. Đây chính là phân bón giả, phân kém chất lượng nhưng chỉ lực lượng chức năng mới phát hiện còn người tiêu dùng khó nhận biết được.

Nguồn: