Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)- khẳng định: Sẽ sớm sửa đổi nghị định về quản lý phân bón nhằm ngăn chặn tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan hiện nay.
Được biết, chậm nhất đến ngày 1/2/2016, doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón nào không đạt yêu cầu sẽ bị đóng cửa. Cụ thể về quy định này như thế nào, thưa ông?
Kể từ khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón chính thức có hiệu lực (1/2/2014), DN sản xuất phân bón có thời hạn 2 năm để hoàn thiện hồ sơ, xin cấp giấy phép sản xuất. Đến nay, DN đủ điều kiện đã làm hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép, DN chưa đủ điều kiện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, đến nay, Cục Hóa chất mới nhận được gần 90 bộ hồ sơ đề nghị cấp phép, trong khi đó, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng gần 600 DN sản xuất phân bón vô cơ. Thực tế này cho thấy, DN sản xuất phân bón chưa quan tâm đến vấn đề này, dù Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp phổ biến, gửi văn bản thông báo đến các tỉnh, Sở Công Thương...
Từ nay đến tháng 2/2016 còn chưa đầy 4 tháng. Nếu đến hạn, DN vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép thì hướng xử lý sẽ như thế nào?Riêng đối với DN ra đời sau Nghị định 202, đương nhiên họ sẽ được cấp phép bởi song song với quá trình xây dựng, DN phải làm hồ sơ xin cấp phép sản xuất. Đơn cử như Công ty Cổ phần DAP số 2 Lào Cai, ngay sau khi hoàn thành xây dựng xong, công ty đã tiến hành lập hồ sơ và được cấp giấy phép.
Đến thời điểm đó, DN chưa có giấy phép mà vẫn sản xuất sẽ chịu xử phạt theo Nghị định 163/2013/NĐ-CP sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp. Ngoài ra, DN phải ngừng hoạt động đồng thời bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Thị trường phân bón Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 chủng loại và hàng trăm loại phân bón giả, nhái. Ông có đề xuất gì nhằm quản lý thị trường này?
Nghị định số 163/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, theo hướng bổ sung điều khoản khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Trước đây, lực lượng QLTT không được xử phạt hành chính theo Nghị định 163 mà phải theo văn bản quy phạm pháp luật khác. Thứ hai, mức xử phạt hành chính sẽ tăng lên gấp đôi. Điều này phù hợp với kiến nghị của hầu hết DN sản xuất phân bón chân chính. Thứ ba, quy định thêm một số hành vi sai phạm cụ thể như: Sang chiết, sang chai mặt hàng phân bón.
Nghị định 202 ra đời được gần 2 năm, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số bất cập. Ông có thể cho biết lộ trình sửa đổi nghị định này?
Cục Hóa chất đã làm việc với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) về việc điều chỉnh Nghị định 202. Một số vấn đề, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ điều chỉnh sớm, áp dụng linh hoạt trước khi sửa đổi Nghị định 202. Cụ thể: Các quy định liên quan đến điều kiện sản xuất; việc cấp phép đối với DN sản xuất hai sản phẩm phân bón hữu cơ và vô cơ.
Hiện tại, Nghị định 202 quy định: “Đối với DN sản xuất cả hai loại phân bón này, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan một cửa cấp phép. Về thẩm định, Bộ Công Thương thẩm định phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thẩm định phân bón hữu cơ”. Qua thống nhất, chúng tôi trình Thủ tướng đề xuất mới: Phân bón Bộ nào quản lý, Bộ đó cấp phép. Điều này giúp DN rút ngắn được thời gian cấp phép.
Xin cảm ơn ông!