Dịch bệnh qua đi, tưởng chừng khó khăn sẽ vơi bớt cho người nông dân, tuy nhiên, giá phân bón vẫn tăng cao, trong khi giá nông sản lại giảm sâu. Nông dân ở tỉnh Quảng Nam sản xuất không có lãi, nhưng không thể bỏ ruộng vườn.
Ở cánh đồng xã Đại Hồng, ông Thanh cùng gia đình đang khẩn trương thu hoạch đậu và bắp trên diện tích 1 mẫu đất. Dù được mùa, nhưng theo ông Thanh, vụ đậu này sẽ chẳng dư được đồng nào, do tiền đầu tư phân bón lúc gieo trồng là quá cao. Và dù hiện tại, giá phân có giảm nhưng lại không đúng thời điểm nông dân chăm bón cho cây.
Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 20 - 25% vật tư nông nghiệp, nhưng nay lên tới 40 - 50%. Giá phân bón tăng cao thời gian dài khiến các chi phí tăng theo, hiệu quả sản xuất giảm sút nghiêm trọng. Các đại lý thì nhập vào rất hạn chế, vì giá thất thường dễ chịu lỗ.
Liên tục từ 2020 - 2022, giá phân bón trong nước tăng mạnh, có sản phẩm tới tay nông dân vượt 1,2 triệu đồng/bao 50 kg. Đến năm 2023, giá có phần hạ nhiệt, nhưng chủ yếu là phân đạm, còn các loại như lân, kali… vẫn ở mức khá cao. Với mức giá như vậy, tại nhiều vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở Quảng Nam, người dân rất khó tiếp cận để phục vụ sản xuất.
Trong khi chờ những thay đổi chính sách đối với ngành phân bón, người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn đang là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Để giá phân bón trong nước hạ nhiệt, tiết giảm ngay từ khâu sản xuất là giải pháp tối ưu. Hạ giá phân bón, đồng nghĩa nâng cao thu nhập của người nông dân, để những cánh đồng, vườn cây không còn phải gánh nặng tiền phân.