Quyết liệt tháo gỡ vấn đề hóa đơn

10:14 SA @ Thứ Hai - 28 Tháng Ba, 2011

Cho rằng nhìêu vấn đề ngành thuế đang đi ngược quy luật, trong buổi gặp gỡ báo chí về chủ đề hoá đơn hôm 26-3-2011, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã đã thẳng thắn nói nhiều vấn đề về thuế và vạch ra hướng cải cách sắp tới...

Giao cục thuế giúp doanh nghiệp đặt hoá đơn

* Doanh nghiệp đang kêu còn nhiều vướng mắc về hoá đơn, tuy nhiên, phản ánh với cơ quan thuế thì vẫn bị ghi nhận chậm, giải quyết không nhanh?

- Vướng mắc chuyện hoá đơn, đúng là thông tin đến cơ quan điều hành trung ương về thuế, trực tiếp là cá nhân nhân tôi có tới 60-65% xuất phát từ báo chí. 35% còn lại là phản ánh từ trong ngành nhưng con đường này thường xuyên chậm hơn. Chúng tôi thấy được khó khăn của doanh nghiệp nhưng phải quyết liệt giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp tự in, đặt in hoá đơn.

Không thực hiện điều này không thể giảm được chi phí, thời gian làm nghĩa vụ thuế, theo một đánh giá đã lên khoảng 1050 giờ/năm ở VN. Cả thế giới không ai làm như chúng ta hiện nay nữa. Để doanh nghiệp hàng tháng phải làm công văn mua hoá đơn là lạc hậu hơn cả Lào, Campuchia. Mức độ đó là tầm sau đại chiến thế giới thứ 2. Quan trọng nhất là nếu không cải cách thì không cạnh tranh được với khu vực, đang ở khoảng 300-400 giờ/năm lo thủ tục về thuế.

* Nhưng doanh nghiệp đang vướng, nhiều nơi chưa thể in hoặc đặt in được hoá đơn. Bộ Tài chính ghi nhận tình hình này thế nào?

- Tính đến 25-3, số doanh nghiệp chưa đặt được in hoá đơn, chưa có hoá đơn để thực hiện sau hạn chót 31-3 theo chúng tôi ghi nhận còn ở khoảng 15 tỉnh, thành mà chủ yếu ở HN và Tp.HCM. Cở bản ở các tỉnh chỉ còn dưới 100 doanh nghiệp chưa nhận được hoá đơn, chưa in được hoá đơn, như Bạc Liêu 25, Quảng Bình 23, Đắc Lắc 93… Cả tỉnh mới có số lượng thế thì chúng tôi nghĩ có thể giải quyết được.

Bộ Tài chính đã giao cho các cục trưởng cục thuế phải có trách nhiệm tìm nơi in hoá đơn cho số doanh nghiệp này. Kinh nghiệm mỗi ngày sẽ lo được cho 20-30 doanh nghiệp. Chỉ còn 3 địa phương có nguy cơ cao nếu không có giải pháp bổ sung là Hà Nội (còn 2000 doanh nghiệp chưa đặt được hoặc chưa có hoá đơn), Tp.HCM còn 4000, Bình Dương còn 400.

Đầu tháng 3, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan thuế phải đứng ra mời doanh nghiệp in và đặt in đến để điều phối. Doanh nghiệp vẫn ngại đặt doanh nghiệp in nhỏ. Chúng tôi sẽ kiểm tra đơn vị in nhỏ và điều phối. Cục trưởng Cục thuế đã được giao phải nắm được còn bao nhiêu doanh nghiệp trên địa bàn của mình chưa in được để xử lý quan hệ cung cầu. Thậm chí, nếu cần có thể phải cử cả cán bộ mang máy đi in cho doanh nghiệp.

Không lùi thời hạn 31-3

* Doanh nghiệp đến cơ quan thuế thì được chỉ đến doanh nghiệp in nhưng doanh nghiệp này cũng không đáp ứng hết được yêu cầu. Chi phí in có khi đến 1 triệu/quyển hoá đơn?

- Trong tháng 12-2010 chúng tôi có ghi nhận phản ánh giá in cao. Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra ngay đơn vị in giá cao đó. Sau tết âm lịch không xảy ra hiện tượng giá cao nữa. Còn doanh nghiệp in quá tải, đúng là ở TP.HCM có trường hợp một doanh nghiệp in nhận đặt hàng của hơn 1000 doanh nghiệp, không có khả năng hoàn thành. Chúng tôi đã điều phối lại. Tổng cục thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương phải lập nhóm hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề hoá đơn do Cục trưởng đứng đầu.

Doanh nghiệp nào vướng mắc có thể liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ. Tôi nhấn mạnh quan điểm của Bộ Tài chính là giao các Cục thuế phải chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối giúp doanh nghiệp. Ông Cục trưởng Cục thuế sẽ phải giống giám đốc Sở Kế hoạch thời bao cấp, nghĩa là phải đảm bảo doanh nghiệp có hoá đơn.

* Đặt in hoá đơn, nhiều doanh nghiệp lo sẽ bị mất hoá đơn và bị doanh nghiệp khác lợi dụng?

- Ngay cả khi nhà in lấy trộm được hoá đơn nhưng phải ăn cắp được cả con dấu, rồi phải có cả chữ ký nữa mới đưa được hoá đơn vào khấu trừ, hoàn thuế. Muốn được khấu trừ thuế thì trên 20 triệu phải có giao dịch thực tế qua ngân hàng. Dưới 20 triệu thì được khấu trừ thấp, ít ai muốn làm. Nên tôi nghĩ lo lắng trên là có nhưng không đáng sợ.

* Có doanh nghiệp phản ánh phần mềm khai hoá đơn miễn phí do 4 doanh nghiệp Tổng cục Thuế đặt cung cấp không tương thích với phần mềm kế toán. Phải dùng chính phần mềm kế toán của 4 doanh nghiệp này mới tương thích?

- Phần mềm đúng là có những lo lắng như vậy. Có 12 đơn vị xây dựng phần mềm, qua thẩm định chéo, chúng tôi chọn 4 doanh nghiệp khả thi nhất. Chúng tôi đã lường đến khả năng doanh nghiệp cung cấp miễn phí phần mềm này nhưng bán cái khác đắt hơn. Hay máy móc phải của họ. Nên chúng tôi yêu cầu không cho 4 doanh nghiệp tự đi đến doanh nghiệp mà phải có cán bộ thuế đi kèm. Hướng là chúng tôi không đóng lại chỉ có 4 doanh nghiệp cung cấp phần mềm mà sẽ mở ra. Phần mềm in hoá đơn được cam kết miễn phí tối thiểu 6 tháng. Sau thời gian này, Bộ Tài chính sẽ quản phí theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp.

* Vẫn còn trên 6000 doanh nghiệp có thể vẫn chưa có hoá đơn sau hạn chót 31-3. Bộ Tài chính có định lùi hạn này?

- Quyền gia hạn là của Thủ tướng. Bộ Tài chính sẽ không trình việc gia hạn. Số lượng khó khăn chỉ còn hơn 6000, chúng tôi sẽ hỗ trợ bằng được, kể cả hỗ trợ đặt in. Đến 31-3 có thể chỉ còn 2000 doanh nghiệp vẫn chưa có hoá đơn tự in, tự đặt in. Nhưng không thể vì 6000 hay 2000 doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến hoạt động của hơn 400 ngàn doanh nghiệp khác. Câu hỏi đặt ra là 400 ngàn doanh nghiệp làm được, sao 6000 anh kia lại không? Có phải quen tư duy bao cấp, chờ đợi không? Nên lần này vẫn hỗ trợ nhưng sẽ kiên quyết không lùi.

Sẽ cải cách ngành thuế theo bài học Viễn thông

* Được tự in hoá đơn thay vì đi mua nhưng vẫn còn nhiều rườm ra trong thủ tục thuế. Như thủ tục hoàn thuế. Liệu có cải cách gì nữa hay không?

- Tôi đến Hàn Quốc, Nhật Bản, họ cũng hoàn thuế, cũng khấu trừ thuế như ta nhưng doanh nghiệp không phải làm hồ sơ xin hoàn thuế gì cả, họ chỉ báo mã số thuế là xong. Tôi cũng tự hỏi những hồ sơ doanh nghiệp đang phải làm trong dữ liệu cơ quan thuế có cả, bảng kê cũng có hết, sao lại bắt doanh nghiệp làm lại? Hay muốn đấu thầu, doanh nghiệp phải đi xin xác nhận không nợ thuế.

Trong khi đó, những cái này trong hồ sơ quản lý thuế đều có. Vấn đề theo tôi là ta nên làm cho đúng quy luật. Và hướng ngành thuế sẽ học ngành ngân hàng. Nghĩa là người dân đã nộp cái gì, thì thuế sẽ phải ghi lại dữ liệu và xử lý trên dữ liệu mình có, chứ không đòi dân cung cấp. Như người dân gửi tiền vào ngân hàng thì đến khi ra thành phố khác rút, cũng chỉ cần cái chứng minh thư, chứ không thể bắt họ mang cả bộ hồ sơ đi được. Thuế cũng sẽ phải như thế.

* Những thay đổi trên không dễ, còn liên quan đến kỹ thuật?

- Hoá đơn đang đi ngược quy luật, nên phải thay đổi ngay. Tôi cho rằng VN hoàn toàn đủ điều kiện để làm. Như đường truyền, nhiều nước đến 2010 ở cấp xã của họ mới kết nối cáp quang. Ta thì cáp quang hết rồi. Đường truyền khẳng định là đủ. Công nghệ thì ngành bưu chính mỗi năm thu trên 90 ngàn tỷ, 26% từ nước ngoài, có 31 triệu khách hàng, nhưng họ vẫn làm được. Thuế cũng sẽ làm được.

Cái khó đúng là có động lực làm không, có quyết tâm làm không. Có người trách tôi sao cứ đặt ra mấy cái cải cách làm gì, để mệt cả ông, cả tôi? Sướng không muốn cứ rúc vào bụi rậm? Nhưng không làm VN không thể cạnh tranh nổi với khu vực để phát triển nên sẽ phải làm.

Nguồn: