Trong tương lai gần, các doanh nghiệp (DN) sản xuất săm lốp cao su của Việt Nam sẽ phải đối đầu với cuộc cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài, lý do chính xuất phát từ công nghệ.
Triển vọng xuất khẩu
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu cao su thiên nhiên dạng nguyên liệu thô, sản phẩm chế biến và tinh chế chỉ chiếm khoảng 5- 10% tổng sản lượng. Dự báo tỷ lệ này có thể thay đổi chỉ trong một vài năm tới khi các nhà máy đang xây dựng của một số DN lớn đi vào hoạt động. Hiện hai DN sản xuất cao su lớn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Công ty CP cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty CP cao su miền Nam (Casumina) đang đẩy mạnh đầu tư dự án sản xuất lốp xe radial tiên tiến, hướng tới tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Tuy nhiên, VRA cũng lo ngại các DN sản xuất săm, lốp nội địa vốn chỉ dùng máy móc, công nghệ nhập từ Trung Quốc không cạnh tranh được với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ Hàn Quốc, EU.
Đơn cử, sản phẩm lốp xe tải radial toàn thép giúp thay thế lốp bias truyền thống sẽ được DRC, Casumina đưa ra thị trường vào năm 2013. Nhưng điều đáng lo ngại là trong khi các DN trong nước chủ yếu sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài lại sử dụng công nghệ từ chính công ty mẹ như: Kumho sử dụng công nghệ Hàn Quốc, Bridgestone hay Michelin đều sử dụng công nghệ của châu Âu và Mỹ.
Hai loại công nghệ này khác nhau quá xa nên những sản phẩm ra đời sau này của DN trong nước sẽ cạnh tranh như thế nào?
Ông Lê Văn Trí- Phó Tổng giám đốc Casumina- thừa nhận: Thị trường săm, lốp đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt giữa DN trong nước và DN nước ngoài. Hiện tại, hầu hết thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều đang có mặt ở Việt Nam như Bridgestone (có nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014 ở Hải Phòng), Michelin, Yokohama, Cheng Shin...
Bên cạnh các tên tuổi lớn như: Casumina, DRC, SRC, Kumho, Yokohama, Chengshin, Velocee, hiện có các công ty sản xuất lốp xe máy trong nước như: Tây Đô (Cần Thơ), Đại Thành Công, Hải Thanh, Sài Gòn, Việt Phát; công ty nước ngoài có Kenda, Shinfa, Inoue.
VRA khuyến cáo: Các DN cao su trong nước cần tăng cường tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, đồng thời tiếp tục cải tiến công nghệ và nhất là đơn pha chế- một công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất săm lốp cao su. Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần nâng chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cao su trong nước.
VRA cũng lo ngại các DN sản xuất săm, lốp nội địa vốn chỉ dùng máy móc, công nghệ nhập từ Trung Quốc không cạnh tranh được với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ Hàn Quốc, EU.