Việc quản lý thị trường phân bón trong nước còn nhiều lỏng lẻo, bất cập. Do vậy, theo các chuyê gia, thời gian tới đề nghị Chính phủ có quy định rõ sản xuất hàng giả phải xử lý hình sự, không xử lý hành chính.
Chiều ngày 9/8/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Thị trường phân bón tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp”. Nội dung nhằm chỉ ra thực trạng vấn nạn phân bón giả cùng những hạn chế trong việc quản lý thị trường, phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giữa các bộ ngành.
Mất đi từ 2-2,5 tỉ USD/năm do phân bón giả, kém chất lượng
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm tới 90% nhu cầu, phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác chiếm phần còn lại.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là việc quản lý thị trường phân bón trong nước còn nhiều lỏng lẻo, bất cập. Mặt hàng phân bón đang có tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất hiện tràn lan trên thị trường, đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như sức khỏe của nhân dân, tác động xấu đến môi trường.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thực trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước. Năm 2015 là trên 4000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là trên 5000 vụ vi phạm. Trong đó nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn nhiều kẽ hở.
Trong năm 2016, các cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ liên tiếp có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, phát hiện có đến 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.
Theo con số thống kê, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 đến 2,5 tỉ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân bón… Ngoài ra, phân bón giả, kém chất lượng gây rối loạn thị trường tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN), đặc biệt ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính...
Cần thiết phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm
Bàn về giải pháp xóa bỏ vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, theo ông Nguyễn Hạc Thuý, điểm tồn tại lớn nhất hiện này cần phải nói là lợi ích nhóm. Nếu vi phạm phân bón giả mà chỉ phạt hành chính thì sẽ làm hỏng ngành phân bón Việt Nam, do đó cần thiết phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm.
Đại diện DN sản xuất phân bón chân chính, ông Vũ Xuân Hồng, Phó TGĐ Công ty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao cho rằng, để xác định rõ được những phân bón nào là phân bón nhái và kém chất lượng, cần phải có bộ quy chuẩn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần giám sát chặt sản xuất và vấn đề thị trường; có chế tài xử lý cực mạnh với các đơn vị sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia cũng đề nghị, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có công cụ để kiểm soát xem hiện nay có bao nhiêu DN và cơ sở sản xuất phân bón, có bao nhiêu nhãn mác phân bón sản xuất và lưu thông trên thị trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Mỗi DN sản xuất phân bón phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên chứ không phải chỉ có 500 triệu đồng cũng có thể sản xuất được phân bón như hiện nay. Nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến các DN lớn đang sản xuất phân bón
Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả Việt Nam cũng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta cũng đang nhập nhèm giữa xử lý hành chính hay hình sự với sản xuất phân bón giả. Đây là kẽ hở để các nhóm lợi ích bảo kê các nhóm sản xuất hàng giả. Ví dụ như trường hợp vụ phân bón giả Thuận Phong chỉ bị xử phạt hành chính. Do đó, đề nghị Chính phủ có quy định rõ sản xuất hàng giả phải xử lý hình sự, không xử lý hành chính.
Ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết, đã có nhiều cuộc họp diễn ra nhằm sửa đổi, đưa ra Nghị định mới về quản lý phân bón. Hiện nay, Nghị định mới này đã được các bộ tham gia và đặt trên bàn của Thủ tướng, khả năng trong tháng 8 là được xem xét.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam onlline