Ngành công nghiệp phân bón đang ở giai đoạn thừa cung, trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đối phó với các sản phẩm phân bón nhập khẩu. Các chuyên gia dự đoán, cầu phân bón có xu hướng giảm trong khi cung có xu hướng tiếp tục tăng sẽ dẫn tới việc gia tăng áp lực về giá từ nay đến 2020.
Thông tin trên được ông Vũ Đức Minh Hiếu – CEO Công ty Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), đưa ra tại Hội thảo và triển lãm Kỹ thuật về Phân bón Argus FMB với chủ đề “Phân bón NPK Việt Nam 2016”.
Đây được đánh giá là sự kiện quan trọng đối với nền nông nghiệp và sản xuất phân bón tại Việt Nam, do Argus Media phối hợp với Bộ Công thương và Viên Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 ngày 25 – 26/5/2016.
Tham gia thảo luận về đề tài “Tổng quan về sản lượng và nhu cầu- Thách thức, cơ hội và dự báo của thị trường phân bón Việt Nam”, ông Vũ Đức Minh Hiếu cho biết: Từ việc phân tích các số liệu toàn cảnh của ngành thông qua các nguồn dữ liệu tin cậy thu thập được, VIRAC đã đưa ra bản Báo cáo nghiên cứu thị thường phân bón Việt Nam năm 2016. Trong đó, đáng chú ý là các thông tin dự báo về biến động giá cả và các yếu tố ảnh hưởng.
Theo phân tích của VIRAC, nhìn chung, cung phân bón luôn vượt mức 48% so với cầu. Hàng năm, sản lượng sản xuất phân bón của Việt Nam đạt khoảng 9 triệu tấn các loại. Trong đó, sản xuất phân bón trong nước tập trung vào phân bón đơn,phân hỗn hợp mới chỉ sản xuất được NPK và DAP.
Cũng theo nghiên cứu của VIRAC, năng lực sản xuất NPK đạt 3.98 triệu tấn/năm với sự đóng góp chủ yếu từ Vinachem,chiếm tỷ trọng trên 40% sản lượng sản xuất, sau đó đến Ure, Lân và các loại phân hỗn hợp khác. Trong khi Kali, SA gần như không sản xuất được phải nhập khẩu gần 100%.
Sản lượng sản xuất năm 2015 có xu hướng giảm đối với mặt hàng phân bón NPK. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ thực của mặt hàng phân bón đang giảm do ảnh hưởng của giá nông sản xuất khẩu, giảm đất canh tác và biến đổi khí hậu.
Đáng nói là, trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn là 1 nước nhập siêu phân bón. Năm 2015, sản lượng nhập khẩu lên tới gần 4 triệu tấn phân bón từ 20 nước với Trung Quốc chiếm tới 50% lượng nhập. Trong khi đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn tới các nước trong khu vực. Trong quý I/2016, sản lượng nhập khẩu các chủng loại phân bón như: Ure, SA, Kali, DAP và NPK trong đó lượng SA được nhập về nhiều nhất, chiếm 26%, đạt 246.5 nghìn tấn, tăng 5.4% về lượng nhưng giảm 3.17% về trị giá so với cùng kỳ. Trong khi, phân NPK nhập ít nhất chỉ với 71.3 nghìn tấn, tăng 53.76% về lượng và tăng 36.64% về trị giá.
Nghiên cứu của VIRAC cũng dự báo rằng xu hướng nhập siêu vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo của các năm tới khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm vì thời tiết và do cạnh tranh với các mặt hàng từ Trung Quốc.
“Cầu phân bón có xu hướng giảm trong khi cung vẫn tiếp tục tăng sẽ dẫn tới việc gia tăng áp lực về giá trong giai đoạn 2016-2020”. – ông Hiếu dự đoán.
Bên cạnh đó, việc phân phối phân bón ở Việt Nam chủ yếu dựa trên hệ thống đại lý và chuỗi cửa hàng. Chỉ số ít doanh nghiệp có thể vừa sản xuất vừa phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh mặt hàng này.