Với việc bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ khi sửa đổi Luật thuế GTGT, Chính phủ dự kiến áp dụng ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng/năm. Theo đó, 30% số doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ sẽ nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.
Dự kiến áp dụng ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng/năm
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT do Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Chính phủ được giao quy định cụ thể về mức ngưỡng doanh thu và điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ.
Trong Tờ trình Dự án Luật, Chính phủ cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, việc áp dụng ngưỡng sẽ đơn giản hoá về thủ tục, tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ. Quy định này cũng sẽ góp phần hạn chế việc gian lận thuế GTGT (ví dụ thành lập doanh nghiệp chỉ để mua bán hoá đơn GTGT).
Tuy nhiên việc áp dụng ngưỡng doanh thu có hạn chế là phải nộp thuế theo phương pháp trực tiếp nên không được sử dụng hoá đơn GTGT, người mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Để khắc phục hạn chế này, cần có nguyên tắc cho phép doanh nghiệp dưới ngưỡng được đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ nếu đáp ứng được điều kiện như thực hiện đầy đủ sổ sách kế toán, hoá đơn chứng từ như cơ chế đang áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài, tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, HTX.
Cụ thể, dự kiến sửa đổi khoản 2 Điều 10 như sau: “Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ bao gồm:
a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trên mức ngưỡng doanh thu do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ, trừ hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT.
b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo quy định của Chính phủ, trừ trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
Đối với các cơ sở kinh doanh dưới ngưỡng sẽ thực hiện nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Chính phủ dự kiến áp dụng ngưỡng doanh thu 1 tỷ đồng/năm, theo đó 30% số doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ sẽ nộp thuế GTGT.
Chính phủ phải giải trình rõ hơn
Tán thành với quy định về ngưỡng doanh thu tính thuế, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, các quy định liên quan đến việc xác định ngưỡng doanh thu kê khai nộp thuế GTGT, điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ, cách xác định GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu là những nội dung quan trọng, cần được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật.
Tuy nhiên, Dự thảo luật mới chỉ dừng ở việc xác định các nội dung có tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu, điều kiện đăng ký tự nguyện, tỷ lệ % trên doanh thu,... dẫn đến tính minh bạch của chính sách chưa cao. “Trong khi đó, ngưỡng doanh thu tính thuế, tỷ lệ % trên doanh thu là những vấn đề có liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của công dân, tới nguồn thu của ngân sách Nhà nước nên việc giao Chính phủ quy định chi tiết là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền quyết định chính sách thuế”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa lý giải rõ ràng về căn cứ để đưa ra mức ngưỡng doanh thu dự kiến 1 tỷ đồng/năm. Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về căn cứ, tiêu chí xác định ngưỡng doanh thu tính thuế. Mức ngưỡng doanh thu tính thuế cần được quy định trực tiếp trong Luật thay vì giao Chính phủ quy định cụ thể. Chính phủ cần phải đánh giá kỹ hơn về tác động của việc quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế tới công tác hạch toán kế toán và công tác quản lý thuế.
Cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần xem xét quy định mức ngưỡng doanh thu tính thuế thấp hơn so với phương án đề xuất của Chính phủ.
Lý do: với mức doanh thu 1 tỷ đồng/năm thì tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc diện áp dụng phương pháp trực tiếp là khá lớn (chiếm khoảng 30%). Điều này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế vì phần lớn các nước trên thế giới hiện nay đều đã tiến tới việc bỏ phương pháp trực tiếp và áp dụng thống nhất phương pháp khấu trừ.
Hơn nữa, quy định như vậy cũng chưa thể hiện được bước tiến mới trong quản lý, áp dụng thuế GTGT. Ở nước ta, thuế GTGT đã được ban hành và đi vào cuộc sống với khoảng thời gian khá dài (trên 10 năm) song số lượng các đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, chưa thể chế hóa được mục tiêu “tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế” đã đề ra trong Chiến lược cải cách thuế.
Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT quy định trong Dự án Luật như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = (GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra) x (thuế suất thuế GTGT)
Trong đó, GTGT được xác định như sau:
GTGT = (giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra) - (giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào)
Trường hợp không xác định được giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào, bán ra, GTGT được xác định bằng tỷ lệ % GTGT trên doanh thu do Chính phủ quy định.